Tin KHCN trong nước
Đẩy mạnh dự án sản xuất vi mạch (29/05/2015)
-   +   A-   A+   In  

Nhà máy sản xuất vi mạch đi vào hoạt động sẽ có tác động lan tỏa đến các ngành công nghiệp điện tử khác, đồng thời góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án “Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử)” do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên làm chủ đầu tư là dự án thực hiện Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Dự án trên được xem xét, áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi như: Được vay đến 60% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam; được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Dự án và được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu dùng để sản xuất, chế tạo vi mạch trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất; được áp dụng mức thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng đối với  thiết bị, vật tư trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ theo danh mục thiết bị, vật tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự án được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm; được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

 

Ngoài ra, Dự án còn được hỗ trợ chi phí theo quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

 

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án, chỉ đạo chủ đầu tư quản lý, tổ chức thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

 

Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định; chỉ đạo việc áp dụng các chính sách thuế đối với dự án.Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục thiết bị, vật tư cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ của dự án; hướng dẫn chủ đầu tư đánh giá, thẩm định dây chuyền công nghệ, thiết bị đã qua sử dụng của dự án trước khi nhập khẩu vào Việt Nam bảo đảm đáp ứng các quy định của pháp luật.

 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chủ đầu tư dự án trong việc áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi nêu trên; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đầu tư dự án.

 

Bộ Công Thương cho biết, Dự án “Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử)” của Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn là dự án tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án có ý nghĩa quan trọng đối với dự án, đồng thời hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển công nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 10342

Về trang trước Về đầu trang