Hợp tác quốc tế
Việt Nam hợp tác EU thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh (05/11/2023)
-   +   A-   A+   In  
Tại Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2023 vừa được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Chính phủ đã hoan nghênh, ủng hộ các chiến lược và sáng kiến quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tăng cường hợp tác cộng đồng doanh nghiệp để đạt được những thỏa thuận xanh, chiến lược kinh tế biển, kinh tế số...

Thúc đẩy các sáng kiến xanh là một trong những nội dung mà Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế đang phối hợp triển khai, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023, lãnh đạo EU, EuroCham… đều đánh giá rất cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao. Đồng thời, họ đánh giá cao những dư địa hợp tác cũng như cam kết, nỗ lực và các giải pháp của Việt Nam nhằm hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam và EU cùng chia sẻ tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho tăng trưởng và phát triển xanh. Việt Nam luôn đề cao quan điểm phát triển bao trùm, xanh và bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.Với quan điểm đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đã ký kết Tuyên bố chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế; trong đó có Liên minh châu Âu. Trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên về năng lượng gió, điện mặt trời, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình, cùng hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh.

nang luong xanh

 

Thủ tướng khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam ủng hộ các giải pháp phát triển xanh của EU và thực hiện nghiêm túc những quy định này. Nhưng Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi nên gặp nhiều khó khăn nên mong rằng khi Việt Nam ủng hộ và chấp hành các quy định của EU thì EU cũng chia sẻ và giúp đỡ Việt Nam để cùng phát triển, cùng thắng”.

Theo đó, Thủ tướng mong muốn phía EU, EuroCham giúp đỡ Việt Nam về xây dựng thể chế, chính sách sao cho phù hợp, chia sẻ về lợi ích, rủi ro cùng nhau gánh vác.

Tiếp đó là chuyển giao công nghệ, quản trị sao cho khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư, hỗ tợ tài chính, kết hợp hợp tác công tư, các nguồn vốn, trong đó có JETP.

Thủ tướng mong các đối tác quốc tế, nhà đầu tư châu Âu tiếp tục hỗ trợ, tăng cường đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 1104

Về trang trước Về đầu trang