Tin KHCN trong nước
Sinh viên Việt phát triển thành công phao cứu hộ tự tìm vị trí người bị nạn (sohuutritue.net.vn) (24/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Sinh viên tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) mới đây đã chế tạo thành công mô hình phao cứu hộ có khả năng tự tìm người bị nạn thông qua giao tiếp giữa phao và vòng đeo tay sử dụng công nghệ GPS.

Bắt đầu từ tháng 8/2022 với mục tiêu tạo ra loại phao thông minh, sử dụng công nghệ thay thế cho phao cứu nạn truyền thống trong tìm kiếm người bị nạn, hiện, 2 sinh viên Trần Văn Phúc và Đặng Thành Sơn, sinh viên năm 4 khoa Điện - Điện tử tại trường Đại học sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã thành công tạo ra mô hình phao cứu hộ tự tìm người bị nạn bằng giao tiếp giữa phao và vòng đeo tay sử dụng công nghệ GPS.

Chia sẻ về mô hình cứu nạn của nhóm, thành viên Trần Văn Phúc cho biết, sản phẩm phao thông minh được thiết kế gắn thiết bị GPS có thể giao tiếp với vòng tay người dùng để phát tín hiệu giúp phao chủ động xác định vị trí người bị nạn đến cứu mà không cần điều khiển.

Phao làm bằng sợi composite, hình chữ U, có thể treo trên mạn thuyền hoặc bờ hồ, sông... neo giữ bằng khóa chốt điện từ. Sản phẩm có gắn hai động cơ điện ở đuôi phao, có thể đạt tốc độ tối đa 20 km mỗi giờ. Vòng tay của người dùng được gắn cảm biến áp lực cùng định vị GPS để xác định vị trí người bị nạn.

Phao-cuu-ho-2-6322-1697866768

 

 

Khi người bị rơi xuống nước, đến một ngưỡng chỉ số cài đặt sẵn, cảm biến áp lực sẽ gửi thông tin đến mạch điều khiển. Hệ thống GPS cũng được trang bị trên phao. Hai tín hiệu GPS sẽ được gửi về mạch điều khiển trung tâm, so sánh vị trí để kích hoạt phao gần nhất tự tìm đến người bị nạn. Khi đó phao gần nhất tự mở khóa chốt điện từ để tìm đến người bị nạn cứu hộ thông qua vị trí trên GPS.

Theo kết quả thử nghiệm sản phẩm hồi tháng 7 cùng các ngư dân đi biển tại Đà Nẵng, phao cứu nạn cuẩ nhóm đã cho thấy có thể tiếp cận các vị trí người bị nạn ở bán kính 180 m trong hai phút với điều kiện sóng nhỏ, gió nhẹ.

Phao-cuu-ho-1-9472-1697866768

Phao cứu hộ được nhóm thử nghiệm tại cảng cá để tìm hiểu nhu cầu ngư dân. Ảnh: NVCC 

Yêu cầu của thiết bị cứu hộ đảm bảo độ sẵn sàng cao khi xảy ra sự cố. Do vậy, Phúc và Sơn xây dựng ứng dụng di động quản lý toàn bộ thông tin của phao cứu hộ như vị trí phao, tình trạng hoạt động, thời lượng pin, số điện thoại của các đơn vị cấp cứu địa phương... Điều này giúp đảm bảo sản phẩm luôn sẵn sàng hoạt động tốt khi cần.

Tuy nhiên, nếu đặt điều kiện khi thiết bị phải hoạt động trên môi trường trên biển, hệ thóng GPS có khả năng sẽ bị nhận tín hiệu trễ, gây ảnh hưởng đến khả năng cứu hộ. Nhóm dự tính thử nghiệm giao tiếp kết nối bằng sóng vô tuyến để khắc phục vấn đề này. Ngoài ra, khi hoạt động trên biển, với động cơ hiện tại, công nghệ mà nhóm trang bị cho phao vẫn chưa thể đáp ứng với điều kiện môi trường sóng lớn, gió mạnh.

Do đó, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư động cơ với sức mạnh cao hơn để hoạt động ổn định trên môi trường biển thực tế.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 4585

Về trang trước Về đầu trang