Tin KHCN nước ngoài
Da in sinh học giống da người chữa lành vết thương nhanh và hiệu quả hơn (26/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã kết hợp sáu loại tế bào da cơ bản với hydrogel chuyên dụng để “in” một làn da dày, nhiều lớp. Khi được cấy ghép, da sinh học sẽ kết hợp thành công với các mô xung quanh để chữa lành vết thương nhanh và ít để lại sẹo.

TS. Anthony Atala, Trưởng nhóm nghiên cứu và là Giám đốc Viện Y học Tái tạo Wake Forest (WFIRM), Hoa Kỳ cho biết: “Chữa lành da hoàn toàn là thách thức lâm sàng quan trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới với các lựa chọn hạn chế. Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc tạo ra làn da công nghệ sinh học dày như da người là có thể và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhanh và tự nhiên hơn”.

Da in sinh học có chứa các tế bào keratinocytes, nguyên bào sợi ở da, tế bào mỡ, tế bào hắc tố, tế bào nhú nang và tế bào nội mô vi mạch hạ bì. Nó được sao chép giống như da thật gồm có ba lớp: lớp biểu bì mỏng bảo vệ bên ngoài, lớp hạ bì dạng sợi ở giữa và lớp dưới cùng là mỡ dưới da.

Khi cấy vào vết thương của chuột, da in tạo thành các mạch máu, kiểu da và cho thấy sự phát triển mô bình thường. Kết quả là vết thương mau lành hơn, da ít co lại và sản sinh  nhiều collagen, nên ít để lại sẹo. Nhờ có phương pháp nhuộm dành riêng cho tế bào, nhóm nghiên cứu đã kết hợp thành công các tế bào in sinh học với làn da được tái tạo trong quá trình chữa lành.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mảnh ghép da lợn in sinh học lớn hơn có kích thước 5 cm x 5 cm để che phủ toàn bộ vết thương trên mô hình lợn. Tương tự, mảnh ghép da cải thiện khả năng chữa lành và sản sinh collagen, đồng thời giảm sự co rút và xơ hóa da (hoặc sẹo). Kết quả này có triển vọng để điều trị cho con người, trong đó, việc lấy khối lượng lớn da từ các vùng khác của cơ thể rất rủi ro và hạn chế.

Da nhân tạo là lĩnh vực nghiên cứu y học đang phát triển và các công ty cũng đang tìm kiếm thử nghiệm sản phẩm thay vì sử dụng động vật. Nhưng đây là lần đầu tiên một sản phẩm phức tạp và có độ dày như da người cho thấy khả năng chữa lành vết thương hoàn toàn trong các nghiên cứu tiền lâm sàng. Các tác giả đang hy vọng triển khai nghiên cứu trên người. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4396

Về trang trước Về đầu trang