Tin KHCN trong nước
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo (08/10/2023)
-   +   A-   A+   In  
Đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến được coi là nền tảng giúp ngành chế biến, chế tạo phát triển bền vững.

Đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao là nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo cần đặt các doanh nghiệp theo đuổi việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả R&D của các trường đại học và cơ quan nghiên cứu nhà nước vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Cần ưu tiên tăng cường năng lực sáng tạo nội bộ trong các loại hình doanh nghiệp, từ năng lực thiết kế, tới chế tạo, marketing, công nghệ thông tin và R&D.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo.

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có điều kiện về khuôn khổ pháp lý thuận lợi và ổn định. Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ nhưng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, bao gồm đổi mới khuôn khổ pháp lý và doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực tài chính dễ dàng.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 18% tỷ trọng trong GDP, thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. 
 
Mặc dù vậy, doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những DNNN lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực có khoảng 15-20%). 
 
Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều phân ngành công nghiệp ở mức thấp, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử nhập khẩu từ 70% đến 90% nguyên liệu.
 
Tỷ trọng tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng từ 88,6% năm 2011 lên 91,1% vào năm 2015 và khoảng trên 90% năm 2022. Điều đó khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị, kinh tế - xã hội trên thế giới, mà ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ. 
 
Việc quy định các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu là các chính sách hỗ trợ về tín dụng, nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thống kê công nghiệp để hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về công nghiệp, phát triển bền vững trong công nghiệp... là cấp bách và cần thiết. 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5238

Về trang trước Về đầu trang