Tin KHCN nước ngoài
Các nhà hóa học biến rác thải nhựa thành những bánh xà phòng nhỏ (20/09/2023)
-   +   A-   A+   In  
Khoảng 60% nhựa thải loại sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc xả ra môi trường. Chỉ khoảng 1/10 rác thải nhựa được tái chế và phần lớn trong số đó trở thành vật liệu chất lượng thấp được tái sử dụng trong những đồ vật như ghế đá công viên. Vì vậy, các nhà hóa học tại Đại học Công nghệ Virginia, Hoa Kỳ đang tìm cách “tái chế” nhựa thành nguyên liệu thô có giá trị hơn bằng cách biến chúng thành chất hoạt động bề mặt. Chất hoạt động bề mặt là thành phần chính trong hàng chục sản phẩm như chất bôi trơn, sáp trượt tuyết, chất tẩy rửa và xà phòng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science.

Chất hoạt động bề mặt và hai loại nhựa được sử dụng nhiều nhất là polyetylen và polypropylen, được tạo thành từ các chuỗi phân tử của nguyên tử cacbon. Tuy nhiên, các chuỗi của chất hoạt động bề mặt ngắn hơn nhiều so với các chuỗi của nhựa và được bao phủ bởi các nhóm nguyên tử hút nước.

Để biến nhựa thành chất hoạt động bề mặt, nhóm nghiên cứu đã phát triển một lò phản ứng đặc biệt làm nóng và ngưng tụ nhựa thành sáp có chuỗi cacbon ngắn. Bằng cách bọc chuỗi sáp bằng các nhóm nguyên tử oxy và xử lý chúng bằng dung dịch kiềm, các nhà nghiên cứu đã biến sáp thành chất hoạt động bề mặt. Kết hợp chất hoạt động bề mặt với một ít thuốc nhuộm và hương thơm sẽ tạo ra những bánh xà phòng nhỏ.

Tuy nhiên, nhựa tái chế có thể sẽ không sớm được loại bỏ khỏi các bãi chôn lấp vì các nhà nghiên cứu chỉ có thể tạo ra khoảng nửa gam chất hoạt động bề mặt mỗi lần. Nếu nhóm nghiên cứu có thể tìm ra cách mở rộng quy trình, họ hy vọng sẽ hợp tác với ngành công nghiệp để làm cho rác thải nhựa sạch hơn một chút.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3894

Về trang trước Về đầu trang