Tin KHCN trong nước
Biến nước biển thành nước ngọt cho chiến sĩ Trường Sa (11/05/2015)
-   +   A-   A+   In  

Một ngày, hệ thống sẽ lọc được 18 m3 nước biển thành nước sinh hoạt để người dân, chiến sĩ ở Trường Sa sử dụng.

Một hệ thống lọc nước biển thành nước sạch vừa được bộ Tư lệnh Hải quân, tập đoàn dầu khí Việt Nam bàn giao cho quân, dân đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đưa vào sử dụng sau một năm thử nghiệm. Song Tử Tây là đảo đầu tiên được chọn thí điểm hệ thống này trước khi triển khai cho quần đảo Trường Sa và các nhà giàn.

 

Hệ thống lọc nước gồm 4 máy mỗi ngày cung cấp cho đảo khoảng 18 m3 nước sạch. Công suất mỗi máy lọc được thiết kế khác nhau như có máy lọc khoảng 250 lít/1 giờ hoặc 236 lít/1 giờ. Để vận hành, hệ thống lọc dựa vào nguồn điện gió, năng lượng mặt trời được lắp đặt trước đó trên đảo. Mức tiêu thụ năng lượng khoảng 5 Kwh/m3.

 

Hệ thống lọc nước sử dụng năng lượng từ nguồn điện gió được lắp đặt trước đó trên đảo. Ảnh: Đơn vị thi công cung cấp

 

Máy lọc nước biển sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược RO. Công nghệ này hoạt động theo nguyên tắc, nước biển với nồng độ muối cao khi di chuyển qua màng bán thấm (RO) sẽ chuyển thành dung dịch muối loãng vì muối cùng các hợp chất có phân tử lớn bị giữ lại, chỉ phân tử nước được đi qua.

 

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, đại diện đơn vị thi công (công ty SolarBK) cho biết, đơn vị mất khoảng 7 năm để hoàn thành hệ thống năng lượng sạch cho cả quần đảo, còn dự án thí điểm lọc nước biển ở đảo Song Tử Tây chỉ mới từ tháng 1/2014 đến nay. Do khoảng cách, việc vận chuyển trang thiết bị vốn rất dễ hư hại ra đảo gặp nhiều khó khăn. Thời tiết khắc nghiệt nên việc thích ứng, làm việc của đội ngũ kỹ thuật không hề đơn giản.

 

"Các kỹ sư ăn ở với chiến sĩ ngoài Trường Sa, họ phải có sức khỏe để làm việc, sinh sống dài ngày ngoài đảo. Sống lâu ngoài đảo nên nhiều kỹ sư giờ như anh em với các chiến sĩ, người dân ở Song Tử Tây", bà Quỳnh chia sẻ.

 

Hệ thống lọc nước được triển khai với ba mô hình gồm mô hình cho đảo nổi (thí điểm ở Song Tử Tây), mô hình cho đảo chìm và nhà giàn (công suất một máy khoảng 70 lít, dùng năng lượng mặt trời), mô hình cho trường hợp khẩn cấp (2 máy lọc bằng cách lắc tay).

 

Uống thử nước từ máy lọc nước biển. Ảnh: Đơn vị thi công cung cấp

 

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường - Đảo trưởng đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) - cho biết, đảo đã tiếp nhận hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt vào ngày 23/4 sau hơn một năm được hội đồng nghiệm thu cân chỉnh, thử nghiệm. Kết quả ban đầu cho thấy, nguồn nước lọc đạt tiêu chuẩn sử dụng.

 

“Đảo luôn thiếu nước ngọt vì chỉ chờ vận chuyển từ đất liền ra hoặc từ nguồn nước mưa nên sinh hoạt trên đảo rất khó khăn. Vào mùa khô, khó khăn gấp bội khi mỗi người dân, chiến sĩ chỉ có 5 lít nước cho mọi sinh hoạt mỗi ngày. Với hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, quân dân trên đảo sẽ có điều kiện sinh hoạt tốt hơn”, người đảo trưởng chia sẻ.

 

Các đơn vị thực hiện mong muốn, nguồn nước từ máy lọc sau khi sử dụng sẽ thấm vào lòng đất tạo nguồn nước ngầm giúp cây cối trên đảo phát triển, tạo môi trường tốt hơn.

 

Một đại diện của cục Hậu cần, bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, sau khi thí điểm, đơn vị sẽ tiến hành so sánh, lựa chọn ra công nghệ thích hợp báo cáo Bộ Quốc phòng để quyết định đầu tư ra toàn quần đảo và các nhà giàn.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 10006

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao (22/10/2018)
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)