Tin KHCN trong nước
Nuôi lươn không cần bùn và thay nước (18/07/2023)
-   +   A-   A+   In  

Thạc sĩ Lê Ngọc Hạnh nghiên cứu công nghệ nuôi lươn không bùn trong bể tuần hoàn không cần thay nước, rút ngắn thời gian nuôi tới 2 tháng.

Năm 2011, thạc sĩ Hạnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 tham gia dự án nuôi cá tra bằng công nghệ tuần hoàn do Đại học Wageningen (Hà Lan) tài trợ. Trong 3 năm triển khai, anh suy nghĩ hướng ứng dụng nguyên lý tuần hoàn cho các loài thủy sản khác như lươn, cua... Năm 2014, anh xây dựng quy trình nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn khép kín, sử dụng hệ thống xử lý nước để tạo môi trường tốt nhất cho lươn lớn nhanh.

Hệ thống gồm bể nuôi diện tích khoảng 4 m2 (đường kính 2 m), được thiết kế hình vuông cạnh bo tròn để đảm bảo hiệu quả việc tuần hoàn nước trên khắp bề mặt và diện tích nuôi tối đa. Bể nuôi còn có các giá thể như lưới, sợi nhựa... để lươn có điểm tựa trú ẩn và ngoi lên hô hấp trên mặt nước.

Hệ thống xử lý nước gồm lọc cơ học và lọc vi sinh giúp loại bỏ phân thải, thức ăn dư thừa trong nước. Các khí độc hòa tan trong nước được xử lý sinh học bằng các giá thể. Hệ thống tuần hoàn có các thiết bị bổ trợ, cung cấp oxy, diệt khuẩn bằng đèn UV và thiết bị khử màu bằng cát giúp nước có màu sắc trong hơn.

Theo thạc sĩ Hạnh, nuôi lươn truyền thống phải thay nước 1 - 2 lần mỗi ngày. Nuôi lươn tuần hoàn sẽ không cần làm việc này trong suốt quá trình nuôi. Người nuôi chỉ cần bổ sung lượng nước nhỏ để bù vào do bốc hơi hoặc rò rỉ đường ống. Điều này giúp nông dân tiết kiệm khối lượng nước lớn mỗi vụ nuôi, giảm công lao động.

Ngoài ra, hệ thống tuần hoàn sẽ giúp môi trường sống của lươn luôn sạch, tính ổn định cao hơn so với phương thức nuôi thay nước. Lý do, việc thay nước sẽ làm xáo trộn môi trường sống của lươn, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của chúng. "Nuôi thay nước có thể mất 10 - 15 tháng để thu hoạch. Công nghệ tuần hoàn chỉ cần 8 - 10 tháng", anh Hạnh nói. Ngoài ra, nông dân hiện nay nuôi lươn chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, có thể tồn dư một số chất độc nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến tốc độ lớn của lươn.

Vì sử dụng hệ thống lọc, cung cấp oxy, diệt khuẩn nên công nghệ tuần hoàn sẽ tốn điện gấp khoảng 3 lần so với nuôi lươn thay nước. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hạnh, công nghệ này cho phép nuôi mật độ tăng tối đa gấp 5 lần trên cùng một diện tích và thời gian rút ngắn nên có thể bù đắp chi phí về điện.

Thiết kế bể thông thường ở đường kính khoảng 2 m với diện tích khoảng 4 m2. Mỗi bể có thể thả 2.000 con giống (khoảng 500 con mỗi m2), có thể thu 400 - 500 kg lươn thịt và có thể tăng mật độ để nâng cao năng suất.

Lợi nhuận nuôi lươn ước tính 20%, tức mức đầu tư mỗi kg lươn khoảng 100.000 đồng thì giá bán ra bình quân khoảng 120.000 đồng. Chi phí đầu tư thiết bị nuôi tuần hoàn quy mô nuôi 5 tấn khoảng 400 triệu đồng. Ở quy mô này, mỗi vụ nông dân thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Như vậy, nuôi 3 - 4 vụ sẽ thu hồi vốn nếu chưa tính chi phí con giống. "Đây không phải là giải pháp làm giàu nhanh, nhưng công nghệ này bền vững, phù hợp nông nghiệp đô thị hạn chế về không gian, nguồn nước", anh Hạnh nói.

Hồi tháng 3/2021, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể tuần hoàn được thử nghiệm tại Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang, quy mô 4 bể nuôi diện tích khoảng 4,8 m2 mỗi bể. Mô hình thử nghiệm với nhiều mật độ khác nhau để đánh giá, năng suất đạt trung bình 50 kg lươn mỗi m2.

Theo ông Nguyễn Tấn Quốc, Giám đốc Trung tâm, quá trình nuôi thử nghiệm đạt hiệu quả bước đầu khi không cần thay nước nhưng lươn vẫn phát triển tốt, tăng trưởng nhanh trong tháng đầu tiên. "Với mô hình này, chi phí đầu tư không quá lớn nhưng có thể tạo sinh kế cho người dân không có điều kiện mặt bằng rộng hoặc khu vực khan hiếm nước sạch cũng có thể triển khai", ông Quốc nói.

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4938

Về trang trước Về đầu trang