Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học tổng hợp kiểm soát bệnh vàng lá, thối rễ và chảy gôm trên một số cây ăn quả (28/07/2023)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam là đất nước nhiệt đới, thích hợp cho nhiều loại cây ăn quả khác nhau, trong giai đoạn hiện nay cây ăn quả đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo báo cáo thống kê, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80%. Kỳ vọng trong năm 2020 Việt Nam sẽ xuất khẩu được 3,6 tỷ USD trái cây, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Trong các loại cây ăn quả chính phục vụ xuất khẩu thì cây có múi (cam) và cây sầu riêng là những loại cây trồng quan trọng mang lại giá trị kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích cho người nông dân. 

Năm 2018, diện tích trồng cam chiếm 72.081,5 ha với sản lượng năm 2019 đạt 960,9 nghìn tấn, diện tích trồng sẩu riêng khoảng 58.580,7ha. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về diện tích, năng suất và sản lượng cam và sầu riêng theo từng năm thì sâu, bệnh hại cũng phát triển và gây hại ngày càng nghiêm trọng đặc biệt là nhóm vi sinh vật gây hại trong đất. Những năm gần đây bệnh vàng lá, thối rễ cây có múi do tập đoàn nấm bệnh trong đất gây nên: Phytophthora spp., Fusarium spp., Rhizoctonia solani, Sclerotium spp.. Bệnh xuất hiện triệu chứng trên lá, lá bị biến vàng, đặc biệt là phiến gân lá bị vàng (khác với triệu chứng của bệnh vàng lá Greening), vàng lá có thể xảy ra trên một vài nhánh hay trên toàn cây, triệu chứng xuất hiện trên lá già, sau đó đến các lá non. Trên cây sầu riêng bệnh chảy gôm trên cây sầu riêng do nấm Phytophthora sp. gây hại từ giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành và cây đang cho trái, trên rễ, thân, lá và trái. Đây là những đối tượng gây hại rất nghiêm trọng làm thiệt hại kinh tế rất lớn cho các vùng sản xuất cây ăn quả quan trọng của Việt nam như: Hòa Bình, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tây Nguyên... Khi bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao, người dân chủ yếu sử dụng thuốc hóa học để phòng chống, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt và không bền vững. Chính vì vậy tìm kiếm giải pháp sinh học, thân thiện với môi trường là định hướng đúng đắn lâu dài và bền vững.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, nhóm thực hiện đề tài, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, do TS. Phạm Hồng Hiển đã đề xuất thực hiện: Nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học tổng hợp kiểm soát bệnh vàng lá, thối rễ và chảy gôm trên một số cây ăn quả” nhằm tạo ra chế phẩm sinh học phòng chống hiệu quả bệnh và góp phần phát triển cây có múi và cây sầu riêng một cách bền vững tại các vùng trồng chính.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được những kết quả như sau:

1. Đề tài đã điều tra, thu thập, phân tích tổng số 847 mẫu đất, rễ của cây có múi (cam) và cây sầu riêng tại 3 tỉnh Hòa Bình, Đắk Lắk, Tiền Giang. Xác định nấm Phytophthora citrophthora, Phytophthora palmivora và Fusarium spp.; là tác nhân chính gây bệnh vàng lá thối rễ, chảy gôm trên cây cam và sầu riêng. Nấm Phytophthora spp. có mật độ thấp và ít gây hại trong mùa khô, chúng bắt đầu tấn công gây hại nặng từ đầu mùa mưa tới cuối mùa mưa. Nấm Fusarium spp. có mật độ cao và gây hại trong cả mùa khô lẫn mùa mưa.

2. Đã thu thập, phân lập, làm thuần 61 chủng vi sinh vật mới, các chủng được đánh giá đối kháng với nấm Phytophthora citrophthora, Phytophthora palmivora và Fusarium solani. Từ đó định danh được 7 chủng vi khuẩn đối kháng Bacillus (Bacillus amyloliquefaciens; Bacillus siamensis và Bacillus velezensis) và 3 chủng xạ khuẩn đối kháng Streptomyces (Streptomyces parvus; Streptomyces malaysiensis và Streptomyces misionensis) trên cây cam tại Hòa Bình và sầu riêng tại Đắk Lắk.

3. Chế phẩm Bio-VAAS.1: Xác định tổ hợp (vi khuẩn B. siamensis LHB15 và xạ khuẩn S. misionensis LHS4 - được xếp loại an toàn sinh học bậc 1 theo khóa phân loại của Đức và Mỹ) không ức chế nhau và có hiệu quả cao trong phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ và chảy gôm trên cây cam và sầu riêng, từ đó tạo chế phẩm đặt tên là Bio-VAAS.1. Chế phẩm Bio-V S.1 dạng hạt mịn, có mật độ vi sinh vật sau sản xuất đạt B. siamensis LHB15 (3,87 x 108 CFU/g) và S. misionensis LHS4 (8,33 x 108 CFU/g). Chế phẩm Bio-V S.1 đã được đánh giá 06 độ độc cấp tính cho kết quả hoàn toàn an toàn với người và động vật máu nóng. Sản xuất thử nghiệm được 1.740 kg chế phẩm phục vụ xây dựng 5,41ha mô hình và thí nghiệm đồng ruộng trên cây cam và sầu riêng tại Hòa Bình, Đắk Lắk, Tiền Giang và phát cho nông dân tham gia hội thảo tập huấn.

4. Đề tài đã xác định được liều lượng sử dụng chế phẩm trên cây cam và sầu riêng. Đối với vườn ươm sử dụng liều lượng 0,5 kg/1 tấn giá thể bầu (trộn đều với giá thể bầu), hoặc tưới 01 kg/ 1.000 lít nước/1.000m2/lần tưới. Đối với vườn kiến thiết cơ bản sử dụng liều lượng 40-80kg/ha, vườn kinh doanh 80kg/ha. Vườn kiến thiết cơ bản và kinh doanh áp dụng bón 2 lần (đầu và giữa mùa mưa), nên kết hợp tưới 2-3 lần vào mùa khô 5-10kg/ha/lần tưới.

5. Đã xây dựng 05ha mô hình ứng dụng chế phẩm Bio-VAAS.1: 02 ha mô hình trên cây cam tại Hòa Bình, 01ha mô hình cam Tiền Giang, 01 ha mô hình sầu riêng tại Đắk Lắk và 01 ha mô hình sầu riêng tại Tiền Giang. Hiệu quả mô hình đạt:

Trên cây Cam: Hiệu lực phòng trừ nấm bệnh Phytophthora spp. gây hại trong đất trồng cam cao nhất đạt 77,27% và trong rễ cam cao nhất đạt 75,92%. Hiệu lực phòng trừ nấm bệnh Fusarium spp. gây hại trong đất cam cao nhất đạt 82,22%, và trong rễ cam cao nhất đạt 74,25%.

Trên cây Sầu riêng: Hiệu lực phòng trừ nấm bệnh Phytophthora spp. gây hại trong đất trồng sầu riêng cao nhất đạt 75,77%, trong rễ sầu riêng cao nhất đạt 72,50%. Hiệu lực phòng trừ nấm bệnh Fusarium spp. gây hại trong đất sầu riêng cao nhất đạt 77,78%, và trong rễ sầu riêng cao nhất đạt 72,52%

6. Hiệu quả kinh tế mô hình: Lãi của mô hình trồng cam sử dụng chế phẩm BioVAAS.1 cao hơn đối chứng từ 17,24% (25.000.000đ) đến 18,42% (80.050.000đ). Chênh lệch lãi cao hơn đối chứng của mô hình sầu riêng sử dụng Bio-VAAS.1 từ 15,68% (160.700.000đ) đến 19,48% (187.400.000đ). Chế phẩm Bio-VAAS.1 đã được hội đồng thông qua và công nhận là thuốc Bảo vệ thực vật.

Kết quả của đề tài đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam và Kỷ yếu Đánh giá kết quả thực hiện chương trình Công nghệ Sinh học trong lĩnh vực vi sinh - enzyme.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18519/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 6155

Về trang trước Về đầu trang