Tin KHCN nước ngoài
Loại nhựa mới được biến đổi thành phân hữu cơ (24/07/2023)
-   +   A-   A+   In  
Nhựa sinh học mới do các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Washington, Hoa Kỳ tạo ra, có thể biến đổi thành phân hữu cơ nhanh như vỏ chuối và không để lại vi hạt nhựa. Loại nhựa này giải quyết được vấn đề về nhựa sinh học, thường cần được xử lý trong các cơ sở ủ phân thương mại.

Nhựa sinh học mới trông giống nhựa dùng một lần có nguồn gốc từ dầu mỏ, nhưng được sản xuất hoàn toàn từ các tế bào vi khuẩn lam dạng bột màu xanh lục, còn được gọi là tảo xoắn. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhiệt và áp suất để biến đổi bột tảo xoắn thành nhiều hình dạng khác nhau, kỹ thuật xử lý tương tự để sản xuất nhựa thông dụng.

Eleftheria Roumeli, phó giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Chúng tôi có động lực để tạo ra nhựa sinh học vừa có nguồn gốc sinh học vừa có thể phân hủy sinh học, đồng thời có thể xử lý, mở rộng và tái chế. Các loại nhựa sinh học mà chúng tôi đã phát triển, chỉ sử dụng tảo xoắn, không chỉ phân hủy tương tự như chất thải hữu cơ, mà còn chắc chắn và cứng hơn trung bình 10 lần so với nhựa sinh học tảo xoắn được tạo ra trước đây. Những đặc tính này mở ra nhiều triển vọng ứng dụng thực tế của nhựa từ tảo xoắn trong các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm bao bì thực phẩm dùng một lần hoặc nhựa gia dụng, chẳng hạn như chai hoặc khay nhựa".

Tảo xoắn được trồng dễ dàng trên quy mô lớn vì đã được sử dụng cho nhiều loại thực phẩm và mỹ phẩm. Ngoài ra, các tế bào tảo xoắn cô lập CO2 khi chúng phát triển, làm cho loại sinh khối này trở thành nguyên liệu trung hòa cacbon.

Hareesh Iyer, nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học vật liệu và kỹ thuật và là một trong số các tác giả nghiên cứu cho rằng: "Tảo xoắn cũng có đặc tính chống cháy độc đáo. Khi tiếp xúc với lửa, tảo xoắn tự dập tắt ngay lập tức, không giống như nhiều loại nhựa truyền thống dễ cháy hoặc tan chảy. Đặc tính chống cháy này làm cho nhựa làm từ tảo xoắn có lợi cho các ứng dụng mà nhựa truyền thống không phù hợp. Tảo xoắn có thể được sử dụng làm giá đỡ bằng nhựa trong các trung tâm dữ liệu vì hệ thống được sử dụng để làm mát cho máy chủ có thể rơi vào tình trạng rất nóng".

Sản xuất các sản phẩm nhựa thường liên quan đến quá trình sử dụng nhiệt và áp suất để định hình nhựa thành hình dạng như mong muốn. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng cách tiếp cận tương tự với nhựa sinh học.

Nhựa sinh học mới chưa sẵn sàng để được nhân rộng và sử dụng trên quy mô công nghiệp. Vật liệu còn có hạn chế như vẫn khá giòn. Hơn nữa, nhựa sinh học rất nhạy cảm với nước.

PGS. Roumeli cho biết: “Nhựa sinh học từ tảo xoắn của chúng tôi có thể tái chế thông qua tái chế cơ học, rất dễ tiếp cận. Tuy nhiên, mọi người không thường xuyên tái chế nhựa, do đó, nhựa sinh học của chúng tôi phân hủy nhanh trong môi trường cũng là một ưu điểm bổ sung".

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4746

Về trang trước Về đầu trang