Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống Camera có tính bảo mật cao (18/07/2023)
-   +   A-   A+   In  
Theo nghiên cứu thị trường Việt Nam của Wresearch (2016), thị trường Camera giám sát được kỳ vọng tăng trưởng trung bình hơn 12% trong giai đoạn 2016 - 2022. Trong các ngành dọc, Camera giám sát trong lĩnh vực Chính phủ và giao thông chiếm thị phần đa số. Ngoài ra, Camera giám sát trong tòa nhà thương mại, y tế và du lịch, nhà ở cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong vòng 5 năm tới do sự phát triển về cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu hệ thống Camera giám sát tại những nơi yêu cầu tính bảo mật cao như sân bay, ngân hàng, cơ quan nhà nước, Chính phủ là rất lớn.

Khách hàng là các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, trụ sở hành chính, các khu vực công cộng như bến xe, nhà ga, sân bay, bến tàu có nhu cầu giám sát an ninh, phục vụ công tác đảm bảo an toàn trật tự, ngăn chặn tội phạm. Cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội, nhu cầu về các sản phẩm đảm bảo an ninh an toàn, có tính bảo mât cao, đặc biệt là Camera giám sát, đã ngày càng trở nên cấp thiết. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp về an toàn bảo mật sẽ giúp giải quyết nhu cầu cấp bách nêu trên và đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Nhằm có thể nghiên cứu phát triển hệ thống Camera có tính bảo mật cao phục vụ Chính phủ điện tử đảm bảo an ninh an toàn thông tin; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống Camera có tính bảo mật cao từ thiết bị Camera gồm phần cứng đến firmware và hệ thống quản lý Camera tập trung, nhóm thực hiện đề tài, Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, do TS. Phạm Hùng Mạnh đứng đầu phối với hợp Viện Điện tử Viễn thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống Camera có tính bảo mật cao”.

Trong quá trình thực hiện, Đề tài sử dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Camera giám sát như chuẩn nén hình ảnh H.264, công nghệ xử lý ảnh (ISP), tích hợp các tính năng phân tích video thông minh… giúp sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về tính năng và đảm bảo chất lượng hình ảnh, hiệu quả sử dụng đường truyền. Ngoài ra việc nghiên cứu phát triển công nghệ bảo mật như secure chip Trust X - chip mới nhất về bảo mật của Infineon và phát triển phần mềm System Defense nhúng trên firmware của Camera tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm Camera giám sát trên thị trường. Hơn nữa, do làm chủ được công nghệ thiết kế chế tạo phần cứng đến firmware và hệ thống quản lý tập trung nên đảm bảo chất lượng sản phẩm, hạn chế các nguy cơ về bảo mật và dễ dàng tùy chỉnh các tính năng phục vụ từng yêu cầu cụ thể, đồng thời đảm bảo giá thành sản phẩm hợp lý, có tính cạnh tranh so với các sản phẩm khác trên thị trường.

Sản phẩm của đề tài có thể duy trì như một giải pháp thương mại trong nhiều lĩnh vực và ngành dọc khác nhau như thành phố thông minh và các ứng dụng trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và có tác động tích cực đối với việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị video giám sát.

Kết quả của đề tài cũng cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong việc tiếp cận với công nghệ mới, các công nghệ nguồn từ các hãng viễn thông và hãng cung cấp linh kiện hàng đầu thế giới. Việc triển khai thử nghiệm phần mềm System Defense trên firmware và dòng chip Trust X bảo mật tiên tiến của hãng Infinion trên phần cứng góp phần đảm bảo an toàn thông tin cho các thiết bị IoT tương lai.

Sản phẩm của đề tài có thể thúc đẩy ngành công nghiệp Camera giám sát và phát triển các ứng dụng có liên quan đồng thời tăng cường an ninh, an toàn cho các hệ thống giao thông, các công trình công cộng như nhà ga, bến tàu, mang lại tiềm năng thương mại rất lớn, hoàn toàn có thể cạnh tranh về giá cả và chất lượng, góp phần hạn chế các khả năng tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức, cá nhân thông qua hệ thống Camera giám sát, giúp giảm thiểu thiệt hại, giúp giảm nguồn nhân lực giám sát trực tiếp, qua đó có thể gián tiếp đầu tư nguồn lực tài chính sang những nhiệm vụ khác. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài đóng một vai trò không nhỏ, thúc đẩy và góp phần hoàn thiện chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 184812020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5319

Về trang trước Về đầu trang