Tin KHCN nước ngoài
Sử dụng laser để xử lý rác thải trên quỹ đạo (27/04/2015)
-   +   A-   A+   In  

Rác thải trên quỹ đạo ngày càng trở thành mối đe dọa cho vệ tinh và các con tàu vũ trụ khác, là lý do nhiều nhóm nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp thu gom rác thải như sử dụng các đám mây khí và lưới. Các phương pháp đó chỉ thu gom rác thải cỡ lớn, nhưng rác thải nhỏ xung quanh Trái đất như đạn vẫn còn sót lại. Vì vậy, một nhóm nghiên cứu quốc tế đang phát triển hệ thống bắn rác thải nhỏ bằng tia laser.


Hệ thống này bao gồm 2 thành phần chính, đó là kính thiên văn tầm ngắm siêu rộng do nhóm nghiên cứu EUSO thuộc Viện nghiên cứu Riken Nhật Bản chế tạo và laser sợi quang hiệu quả cao.

 

Trước đây, kính thiên văn được dùng để phát hiện ánh sáng cực tím phát ra từ bức xạ vũ trụ siêu năng lượng cao phát tán vào bầu khí quyển Trái đất vào ban đêm. Tuy nhiên, Toshikazu Ebisuzaki, trưởng nhóm EUSO đã nhận thấy có thể sử dụng kính thiên văn để xác định rác thải  di chuyển với tốc độ cao vào lúc hoàng hôn.

 

Khi rác thải được kính thiên văn phát hiện và định vị, hệ thống sẽ điều chỉnh laser chĩa các xung laser cường độ cao vào vật thể đó. Quá trình này khiến cho một mặt của vật thể bị đốt nóng và chuyển sang trạng thái plasma. Khi plasma phá vỡ bề mặt đó, nó sẽ tạo lực đẩy rác thải xuống phía dưới bầu khí quyển để đốt cháy.

 

Các kế hoạch thử nghiệm đưa hệ thống lên trạm không gian quốc tế ISS đang được kêu gọi thực hiện. Hệ thống sử dụng kính thiên văn kích thước 20 cm và hệ thống laser 100 sợi quang sẽ tập trung bắn rác thải ở gần trạm không gian. Nếu thử nghiệm thành công, hệ thống có thể được thay thế bằng hệ thống kích thước thực tế với kính thiên văn 3m và hệ thống laser 10.000 sợi quang và tầm bắn lên tới 100 km. Dưới mặt đất, một hệ thống khác sẽ được lắp đặt ở độ cao 800 km so với mặt đất nơi đang tập trung khối lượng lớn rác thải.

 

Ebisuzaki cho biết: "Sáng kiến của chúng tôi hoàn toàn khác biệt so với phương pháp truyền thống trên mặt đất và chúng tôi tin rằng đây là cách tiếp cận chính xác, nhanh và ít tốn kém. Hy vọng hệ thống chuyên dụng này sẽ loại bỏ được hầu hết rác thải cỡ xen-ti-mét trong vòng 5 năm vận hành".

 

Cùng với Viện nghiên cứu Riken, các đơn vị khác gồm Đại học California, Đại học Paris và Đại học Torino cũng tham gia dự án nghiên cứu.

Nguồn: vista.vn

Số lượt đọc: 6737

Về trang trước Về đầu trang