Tin KHCN trong tỉnh
Công bố nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu (24/04/2015)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 23/4, tại TP.Bà Rịa, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Tham dự có ông Cao Xuân Tiều - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT, ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sở hữu trí tuệ Invenco, bà Trương Thị Tuyết Mai - Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng đại diện phía Nam.

Từ tháng 3/2013 đến tháng 10/2014, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT đã phối hợp với Công ty Sở hữu trí tuệ Invenco triển khai dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu BR-VT (giai đoạn 1) và xác lập chỉ dẫn địa lý (giai đoạn 2)”. Sau một thời gian triển khai, đến nay hồ tiêu BR-VT đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Hồ tiêu BR-VT" nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm hồ tiêu BR-VT.

Theo đánh giá của ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sở hữu trí tuệ Invenco, dự án xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hồ tiêu BR-VT được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Dự án tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia thành lập các nhóm sản xuất, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý.

“Để quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận có hiệu quả sau khi được đăng bạ và cấp bằng bảo hộ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, uỷ quyền việc quản lý cho Hội hồ tiêu BR-VT” – ông Thảo đề xuất.

BR-VT là một trong những tỉnh trọng điểm trồng và xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Ngoài ra, BR-VT còn được người tiêu dùng và các chuyên gia biết đến bởi loại tiêu sọ, đây cũng là địa phương nổi tiếng chế biến tiêu sọ mấy chục năm qua (chế biến theo phương pháp thủ công, tuyệt đối không sử dụng hóa chất), sản phẩm tiêu sọ có dung trọng cao từ 570-600g/l, thậm chí có nơi còn là 620g/l. Bên cạnh đó, với những đặc điểm về khí hậu, đất đai, địa hình đã làm cho hạt hồ tiêu ở BR-VT săn chắc, cộng với việc canh tác an toàn cho người sử dụng, đảm bảo các tiêu chí của sản phẩm sạch. Phần lớn cây tiêu được trồng để bám vào cây trụ sống, sử dụng phân bón hữu cơ, nguồn phân bã cá, chăm sóc theo kiểu truyền thống đã tạo cho hồ tiêu của tỉnh có một hương vị, tính chất khác biệt.

Được biết, cây hồ tiêu đã bén rễ trên đất BR-VT khoảng 150 năm, do người Pháp mang sang trồng đầu tiên ở địa phương như: Hà Tiên, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Theo đánh giá của người Pháp, hồ tiêu rất hợp với vùng đất đỏ bazan như BR-VT.

Hiện nay, diện tích hồ tiêu của BR-VT là khoảng 9.047 ha, năng suất đạt khoảng 2 tấn/1ha, sản lượng hơn 14.200 tấn tập trung ở các huyện như: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT, đến nay ngoài chứng nhận nhãn hiệu Hồ tiêu BR-VT, trước đó đã có  3 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu đó là Nhãn xuồng cơm vàng, Mãng cầu ta và Muối Bà Rịa. 

Nguồn: Huyền Trang

Số lượt đọc: 5875

Về trang trước Về đầu trang