Tin KHCN trong nước
Làm thế nào để thương mại hóa hiệu quả các sản phẩm nghiên cứu khoa học? (30/05/2023)
-   +   A-   A+   In  

Thực tế cho thấy, nước ta có vô số các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế năng động với số lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học ra đời hằng năm vô cùng lớn. Tuy nhiên những sản phẩm nghiên cứu này vẫn chưa được thương mại hóa hiệu quả. Điều này tạo nên sự lãng phí vô cùng lớn.

Các sản phẩm nghiên cứu khoa học đang chưa được thương mại hóa hiệu quả và tạo nên sự lãng phí lớn

Phát biểu tại Toạ đàm “Kinh doanh Sản phẩm và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới”, PGS TS Lê Phước Minh – Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) nhận định, Việt Nam là nước có lượng sản phẩm nghiên cứu không hề nhỏ. Hàng năm, chúng ta đều có vô số sản phẩm nghiên cứu mới ra đời, hàng nghìn nghìn các đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, đề tài cấp cơ sở. Hầu hết các nghiên cứu này sử dụng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước, đồng nghĩa với việc sử dụng tiền thuế của dân.

Tuy nhiên, hầu hết các công trình nghiên cứu ấy sau khi được nghiệm thu lại không thể đưa lại giá trị cho người dân, đồng thời, các công bố kết quả nghiên cứu khoa học cũng không được biết đến đại chúng.

“Điều này tạo nên sự lãng phí vô cùng lớn”, PGS TS Lê Phước Minh khẳng định.

Một sản phẩm, dịch vụ nghiên cứu khoa học cũng cần phải được nhiều người biết đến, không chỉ là một hội đồng có quy mô 7-8 người trong buổi bảo vệ sau đó không còn được một ai khác biết tới. Điều đó là một trong những vấn đề tiên quyết cần phải được sớm chấm dứt, Ông Lê Phước Minh nhấn mạnh.

TS. Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, chưa có nhiều sáng chế được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT cũng như chưa được khai thác, thương mại hóa một cách hiệu quả các kết quả nghiên cứu. 

Điều này cũng diễn ra tương tự ở môi trường đại học, nơi có những nghiên cứu nhận được sự đầu tư lớn hằng năm. Theo đó, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng, Cục SHTT cho biết, trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung chủ yếu nguồn nhân lực khoa học công nghệ, nhiều tài sản trí tuệ có giá trị lớn được tạo ra từ các nhà khoa học làm việc trong môi trường này.

Trong nhiều năm qua, các trường đại học, viện nghiên cứu luôn có những chính sách hiệu quả động viên, khuyến khích các nhà khoa học đăng các bài báo công bố kết quả nghiên cứu khoa học và bảo hộ quyền SHTT, tuy nhiên chưa có nhiều sáng chế được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT cũng như chưa được khai thác, thương mại hóa một cách hiệu quả các kết quả nghiên cứu này.

Ông Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng nhận định, đây là một thực trạng đáng quan tâm từ phía các nhà quản lý cũng như chính các nhà khoa học bởi việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT cần phải được thực hiện đúng quy định và kịp thời thì mới có thể đảm bảo quyền lợi của các bên.

Làm thế nào để thương mại hiêu quả các sản phẩm nghiên cứu khoa học?

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học và công nghệ đã và đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và phát triển công nghệ đang trở thành vấn đề cấp thiết, nhận được sự quan tâm chung của các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp.

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã và đang là những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý trong nước và quốc tế quan tâm. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ mà còn giúp đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.

Vậy, làm thế nào để thương mại hiêu quả các sản phẩm nghiên cứu khoa học?

Thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học là quá trình đòi hỏi một dự án phải trải qua nhiều rào cản khác nhau vầ công nghệ và thị trường. Tuy nhiên, trên hết, để một kết quả nghiên cứu có thể ra mắt thị trường thành công, các tác giả cần phải đảm bảo các yếu tố hữu ích và thực tiễn, đáp ứng như cầu sử dụng của xã hội. Bên cạnh đó, trong thời đại mới, các tác giả nghiên cứu cũng cần phải thoát khỏi tư duy thuần nghiên cứu để biến mình trở thành những trí thức có tư duy kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam: "Đam mê là động lực của các nhà sáng chế, nhưng đam mê sáng chế thì cần tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng cần chứ không chỉ tạo ra sản phẩm bản thân thích. Điều này sẽ tốn nhiều công sức và tiền bạc của nhà sáng chế khi không thương mại hóa được".

Cùng quan điểm với ý kiến trên, PGS TS Lê Phước Minh cho rằng, các sản phẩm nghiên cứu khoa học khi được tạo ra cần phải đảm bảo có tính hữu dụng , tính ứng dụng vào cuộc sống cần được nêu cao. Nghiên cứu khoa học cần phải phục vụ cuộc sống, không chỉ để thỏa mãn cá nhân nhà nghiên cứu khoa học, từ đó gia tăng khả năng thương mại hóa của các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

PGS - TS. Lê Phước Minh – Chủ tịch VAYSE (ngồi giữa) 

"Sản phẩm nghiên cứu của chúng ta cần phải được nhiều người biết đến, phải có nhiều người sử dụng, và phải có nhiều người muốn trả tiền cho nó. Không chỉ từ nguồn nhà nước mà còn từ nguồn của các tổ chức chính trị xã hội, các thương nhân và các nhà hảo tâm", Chủ tịch VAYSE nhấn mạnh.

Ông Lê Phước Minh cũng cho rằng, việc sản phẩm nghiên cứu khoa học được nhiều người biết đến và sẵn sang chi tiền để mua hoặc đầu tư vốn để phát triển, cải tiến, thương mại hóa sản phẩm cũng là minh chứng cho sự thành công của các tác giả cũng như các nghiên cứu khoa học.

Vậy, để các nhà đầu tư, người tiêu dùng sẵn sàng ‘móc hầu bao’, ông PGS-TS. Lê Phước Minh cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam cần phải hướng tới tương lai các sản phẩm nghiên cứu được công nhận bởi thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, kết quả nghiên cứu phải được bán, được mua, được thương mại hóa.

Như một ý kiến nổi tiếng: "Người châu Âu nói sản phẩm bán được chắc chắn là sản phẩm tốt, nhưng người Mỹ lại nói, sản phẩm bán được chưa chắc là sản phẩm tốt, nhưng sản phẩm đó phải biết cách bán, biết cách Marketing", các nhà nghiên cứu, các tác giả sáng chế tại Việt Nam cũng phải có tư duy kinh doanh để quy đổi kiến thức, nguồn lực thành giá trị tối đa và tối ưu.

 

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 4979

Về trang trước Về đầu trang