Tham dự chương trình, về phía Sở KH&CN có ông Trần Duy Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở cùng đại diện lãnh đạo phòng Quản lý KH&CN. Về phía Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam có TS Ngô Minh Dũng - Chánh Văn phòng Viện, ThS Chu Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật - Chủ nhiệm dự án cùng các thành viên của dự án. Về phía địa phương có ông Trần Văn Phương - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc; ông Phạm Hồng Trường - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
Ngoài ra còn có sự tham dự của hơn 75 đại biểu đại diện lãnh đạo các đơn vị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh BR-VT; các phòng, ban huyện Xuyên Mộc; Trạm Bảo vệ thực vật huyện Xuyên Mộc; phòng, ban thuộc UBND xã Hòa Hiệp; Chi hội nông dân ấp Phú Quý; THT sản xuất nhãn VietGAP xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ; Hội nông dân xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ; Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận TQC CGlobalGAP; cùng các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia.
ThS Chu Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật - Chủ nhiệm dự án giới thiệu chung về Dự án tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, ThS Chu Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật thông tin, Chương trình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” được UBND Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 3510/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN đối với các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện năm 2020 và Quyết định số 148/QĐ-SKHCN ngày 17/9/2020 của Sở KH&CN về việc phê duyệt thuyết minh đối với phần nội dung thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh BR-VT”. Dự án được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 6/2021 đến tháng 4/2024) do Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu - cơ quan chủ quản, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam là cơ quan chủ trì, ThS Chu Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật - là chủ nhiệm dự án.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế trái nhãn góp phần phát triển bền vững cây nhãn theo hướng hữu cơ theo chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Dự án xây dựng được 20ha mô hình nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ (10 ha nhãn xuồng ở huyện Đất Đỏ và 10 ha nhãn Edor ở huyện Xuyên Mộc) và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; Xây dựng được 10 ha nhãn xuồng và Edor giai đoạn kiến thiết cơ bản theo hướng hữu cơ; Ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhãn và khai thác chỉ dẫn địa lý cho nhãn xuồng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Đào tạo và chuyển giao kỹ thuật sản xuất nhãn tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ.
Sau khi gần 1 năm triển khai dự án, ngày 04/04/2022, Dự án kết hợp với UBND xã Hòa Hiệp đã tiến hành thành lập Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor tại ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc tỉnh BR-VT theo Quyết định số 251/QĐ-UBND của UBND xã Hòa Hiệp với 11 thành viên, 15 ha nhãn Edor để chứng nhận VietGAP. Sau 2 năm thực hành quy trình sản xuất nhãn, tháng 4 năm 2023 THT xản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc được cấp chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Quốc gia về Thực hành Nông nghiệp tốt trong lĩnh vực trồng trọt theo: VIETGAP (TCVN 11892-1:2017); giấy chứng nhận số: TQC.26.4403; chứng nhận có hiệu lực trong 3 năm đến 2026.
Ông Phạm Thế Phong, Tổ trưởng THT sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý cho biết, sau 2 năm thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và nhiều vật tư thiết yếu khác từ Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam, THT đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC CGLOBAL thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thường xuyên kiểm tra, đánh giá điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm nhãn đều đạt yêu cầu. Sau khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, chi phí sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã giảm hơn 20% so với sản xuất theo truyền thống dùng phân vô cơ trước đó, năng suất cũng tăng lên 10%, với giá bán bình quân từ 25-28 ngàn đồng/kg.
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN phát biểu tại buổi lễ.
Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng cần sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ. Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế trái nhãn góp phần phát triển bền vững cây nhãn theo hướng hữu cơ là chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Sau thành công của Tổ hợp tác ấp Phú Mỹ, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình này.
Sau Lễ cấp giấy chứng nhận, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ THT sản xuất nhãn Edor Phú Quý xây dựng mã truy xuất nguồn gốc và logo để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ để Tổ tiếp xúc với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm nhãn VietGAP sau khi đã đạt chứng nhận.
Ra mắt Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
Ký biên bản ghi nhớ về mua bán sản phẩm nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP giữa Doanh nghiệp và THT sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý
Ngay tại buổi lễ cấp giấy chứng nhận VietGap đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ về mua bán sản phẩm nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP giữa Doanh nghiệp và THT sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý.