Tiêu chuẩn ĐLCL
Sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (26/05/2023)
-   +   A-   A+   In  

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Xác định vấn đề bất cập

Về xác định sản phẩm, hàng hoá nhóm 2, hiện nay, có Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhưng chưa có QCVN để quản lý hoặc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành Danh mục có tên nhóm hàng hóa nhưng chưa có đầy đủ chi tiết mặt hàng và mã số HS (HS Code) hoặc có Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành Danh mục hàng hóa nhóm 2 bao trùm cả đối tượng hàng hóa phải kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến những vướng mắc đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo luật định.

Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo cách thức quản lý riêng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. Ví dụ Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục quy định cụ thể các mặt hàng thực hiện kiểm tra chất lượng trước thông quan và sau thông quan.

Bộ Giao thông vận tải ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, QCVN tương ứng trước khi thông quan và Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, QCVN tương ứng sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường (Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018).

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy và Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy (Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT ngày 14/5/2020, được sửa đổi tại Thông tư số 01/2021/TT-BTTT ngày 14/5/2021).

Một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực không rõ cơ sở khoa học về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa khi đưa vào Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 hay việc sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 không kịp thời với nhu cầu cần quản lý.

Trong thực tế triển khai cho thấy có những sản phẩm, hàng hóa giai đoạn này thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật, nhưng giai đoạn sau được đưa ra khỏi Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, tức là đã chuyển thành hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa quy định việc điều chỉnh đối với các loại sản phẩm, hàng hóa này. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân chia hàng hóa thành 02 loại theo mức độ an toàn, trên thực tế độ an toàn và chất lượng sản phẩm là hai phạm trù không hoàn toàn giống nhau, có những sản phẩm, hàng hóa có độ an toàn cao nhưng có thể chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, ngược lại có những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng mức độ an toàn chưa cao.

Về hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, ví dụ: có những mặt hàng vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu do Bộ Công Thương quản lý vừa phải kiểm tra chất lượng do Bộ, ngành khác quản lý như quạt điện, tủ lạnh, tủ kết đông, bóng đèn huỳnh quang…

Việc triển khai thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất còn có những khó khăn như: chưa xây dựng được đội ngũ kiểm soát viên chất lượng độc lập; năng lực của các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm sản phẩm trong nước phục vụ quản lý nhà nước còn hạn chế.

Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu của một số Bộ, ngành còn chưa hoàn toàn theo các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian lưu trữ hàng hóa của doanh nghiệp ở cửa khẩu, gây khó khăn, tốn kém và mất thời cơ cho doanh nghiệp. Ví dụ, theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đánh giá sự phù hợp được phân định rõ ràng giữa khu vực quản lý nhà nước với khu vực sự nghiệp.

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá ở Trung ương là các Tổng cục, Cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá hoặc cơ quan kiểm tra chất lượng ở địa phương là các Sở, Chi cục nhưng cho đến nay một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa chỉ định cơ quan kiểm tra ở địa phương, trong khi đó thì hàng hóa nhập khẩu vào nước ta thì qua rất nhiều đường khác nhau, nhiều địa phương khác nhau dẫn đến không kịp thời và kéo dài thời gian. Hơn nữa là chưa tiến hành thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp (kết quả thử nghiệm, chứng nhận, giám định đã được cấp) của nước ngoài dẫn đến doanh nghiệp nhập khẩu tốn thêm thời gian, chi phí để thử nghiệm.

Hiện nay, có nhiều Bộ, ngành đã triển khai thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu trên Cơ chế một cửa quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ, thống nhất toàn bộ các thủ tục kiểm tra chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý.

Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.

Một số quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa bao quát được hết các trường hợp phát sinh trong hoạt động kiểm tra, ví dụ theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hàng hóa nhóm 2 phải công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy. Để hoàn thành thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện qua 02 bước: (1) Lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; (2) Thực hiện thủ tục kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước. Hàng hóa nhập khẩu phải được cấp Thông báo kết quả kiểm tra đáp ứng yêu cầu về chất lượng để được làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa với cơ quan hải quan. Tuy nhiên, thực tế triển khai và theo quy định tại Nghị định hướng dẫn (Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) không thống nhất với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc áp dụng. Về tiêu chuẩn, vì là tự nguyện nên có thể có nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau, nhiều mức độ khác nhau để các doanh nghiệp lựa chọn hoặc đối tác lựa chọn để áp dụng cho phù hợp với mục đích của mình. Hiện nay, có một số quy chuẩn kỹ thuật về nông lâm thủy sản cao hơn cả yêu cầu tối thiểu của nước nhập khẩu mà chúng ta xuất khẩu chủ yếu như Nhật, Mỹ, Châu Âu. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chịu sự quản lý người ta gọi là “một cổ 2 tròng” tức là vừa phải đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu, đối tác xuất khẩu và vừa phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam.

Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan. Điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa các pháp luật về quản lý sản phẩm, hàng hóa.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Về xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm).

Về hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, rà soát các nội dung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 27, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 47 và chỉnh sửa theo hướng đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Cụ thể, hàng hóa nhóm 2 sản xuất trong nước thì phải áp dụng biện pháp công bố hợp quy; hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu phải áp dụng biện pháp kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu, trong đó quy định rõ việc miễn kiểm tra; giảm kiểm tra hàng nhập khẩu; Quy định rõ cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm; quy trình kiểm tra hàng nhập khẩu ngay tại Luật; Quy định rõ hơn cơ quan nhà nước thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Các Bộ, ngành cần đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và nước xuất khẩu (cơ chế G to G), thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong nước và các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài (cơ chế T to T) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu không phải lấy mẫu thử nghiệm, chứng nhận hợp quy cho các lô hàng nhóm 2 nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Các Bộ, ngành cần khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định triển khai hình thức đánh giá tại nguồn nước xuất khẩu (tại cơ sở sản xuất nước ngoài). Với phương thức này, Giấy chứng nhận sản phẩm, hàng hoá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật cấp cho cơ sở sản xuất có hiệu lực 3 năm sẽ là cơ sở để không phải thực hiện lại việc lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá lại lô hàng của sản phẩm, hàng hoá đó mỗi lần nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này cần được tổ chức thực hiện hết sức linh hoạt để đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Đề nghị sửa đổi theo hướng mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá là các cơ quản quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tình hình thực tiễn; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, cần được xem xét, đặt trong mục tiêu tổng thể hướng tới việc giảm thiểu thời gian thông quan trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hoá, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ thị trường trong nước và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nâng cao vai trò chủ trì, nhạc trưởng của Bộ KH&CN trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Rà soát, loại bỏ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án giải quyết các bất cập nêu trên. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định như hiện nay. Phương án 2 là chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ KH&CN cho biết, nếu triển khai theo phương án 1, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau. Đối với tổ chức, cá nhân không phải mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện. Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Đồng thời, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước, chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay; chưa kịp thời đáp ứng được nhu cầu quản lý trong tình hình mới; hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu chưa được xem xét một cách tổng thể, hướng tới việc giảm thiểu thời gian thông quan trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hoá, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ thị trường trong nước và các doanh nghiệp sản xuất trong nước; chưa nâng cao được vai trò chủ trì, nhạc trưởng của Bộ KH&CN trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đối với tổ chức, cá nhân, các khó khăn, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay chưa được tháo gỡ; hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, miễn giảm kiểm tra khi nhập khẩu mặc dù đã được tháo gỡ, thông thoáng hơn nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, thống nhất giữa các luật quản lý chuyên ngành nên vẫn còn khó khăn, vướng mắc khi nhập khẩu. Gải pháp này chưa phù hợp hoàn toàn với thông lệ quốc tế, nghĩa vụ của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Nếu triển khai theo phương án 2, về mặt tích cực, đối với Nhà nước, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay; kịp thời đáp ứng được nhu cầu quản lý trong tình hình mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu trong mục tiêu tổng thể là hướng tới việc giảm thiểu thời gian thông quan trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hoá, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ thị trường trong nước và các doanh nghiệp sản xuất trong nước; nâng cao vai trò chủ trì, nhạc trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đối với tổ chức, cá nhân, các khó khăn, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay được tháo gỡ; hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, miễn giảm kiểm tra khi nhập khẩu được giải quyết một cách triệt để, thống nhất giữa các luật quản lý chuyên ngành, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Việc áp dụng các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Đồng thời, phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, tương thích, phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước sẽ tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ KH&CN kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhập khẩu.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 1460

Về trang trước Về đầu trang