Tháng 5, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ ra mắt tác phẩm Bác Hồ với văn hóa phương Đông của Giáo sư Lương Duy Thứ (1935-2014) - đại thụ trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu về văn học và văn hóa phương Đông.
Tác phẩm tập hợp 11 bài nghiên cứu và chuyên luận của ông gồm: "Hồ Chí Minh với văn hóa Trung Quốc - Sự gặp gỡ giữa những nhân cách văn hóa và cá tính sáng tạo", "Về cội nguồn Nho giáo và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Bác Hồ với Tôn Trung Sơn", "Bác Hồ với Lỗ Tấn", "Từ Kinh thi đến Đường thi", "Từ thơ luật Đường Việt Nam đến Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh - Một sự gặp gỡ kỳ thú", "Âm vang thơ Đường trong Nhật ký trong tù", "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi - Lời nhắn nhủ ân cần của một nhà thơ lớn", "Người bạn tù thổi sáo; Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù - Bước tiến mới trên con đường tiếp cận Di sản Hồ Chí Minh", "Thêm một số bài thơ chữ Hán của Bác Hồ", "Ba bài thơ chữ Hán cuối cùng của Bác đều viết về miền Nam".
Những bài viết và chuyên luận đề cập đến nhiều vấn đề: Sự đối sánh nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh với lãnh tụ cách mạng Tôn Trung Sơn để thấy sự gặp gỡ về mặt tư tưởng chính trị, triết học và đạo đức; Điểm chung trong tư tưởng văn nghệ và cá tính sáng tạo của người cầm bút giữa nhà văn hóa Hồ Chí Minh và nhà văn Lỗ Tấn; Những quan niệm tích cực của Nho giáo, một học thuyết ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều nước phương Đông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng như thế nào vào cuộc sống; Từ điểm nhìn so sánh văn chương, thấy được bóng dáng của Kinh Thi, thơ Đường trong tác phẩm Nhật ký trong tù; Bác Hồ với việc làm thơ bằng chữ Hán.
Những nghiên cứu này không chỉ mang tính khoa học, mà còn thể hiện những kiến giải về văn hóa phương Đông và ảnh hưởng của nền văn hóa này trong tác phẩm, con người, đạo đức, lối sống, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Do xuất thân, môi trường gia đình, hoàn cảnh sống thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người mang cốt cách văn hóa phương Đông từ trong tâm hồn, trí tuệ, và sau này tiếp tục được vun đắp bởi văn hóa phương Tây. Nhà thơ Nga Osip Mandelstam từng nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai" (ý kiến đăng trên tạp chí Ogoniok, số 39, 1923). Nền văn hóa của tương lai mà Osip Mandelstam nhắc tới, có lẽ có một phần đóng góp rất lớn của tinh hoa văn hóa phương Đông trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cố GS Lương Duy Thứ (1935-2014) quê ở xã Lệ Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông từng là thanh niên xung phong trong thời kháng chiến chống Pháp và về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Sau đó ông được cử sang Trung Quốc học từ năm 1955-1960. Tốt nghiệp Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc, ông dành cuộc đời cho việc nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa, văn học, nhất là chuyên ngành Trung Quốc học. Ông từng giảng dạy tại Đại học Vinh, Đại học Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp TP HCM (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM). Ông được phong hàm Giáo sư năm 1991.
Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy, GS Lương Duy Thứ còn là dịch giả với những công trình tiêu biểu như: Cù Thu Bạch - viết về một nhà hoạt động chính trị, nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, Để hiểu 8 bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc, Lỗ Tấn - phân tích tác phẩm, Đại cương văn hóa Phương Đông (chủ biên), Giáo trình văn học Trung Quốc (viết chung).. Ông cũng tham gia dịch những tác phẩm, công trình nghiên cứu như Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại, Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn, Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Trung Quốc, Lịch sử văn học Trung Quốc, Trung Quốc sau hơn 10 năm cải cách.
Chủ đề về thơ văn và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một hướng nghiên cứu chuyên sâu của GS Lương Duy Thứ, là chuyên đề từng được ông giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học.