Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải kiềm của quá trình sản xuất agar và thu hồi, tái chế các thành phần có ích thành phân bón sinh học qua lá (28/04/2023)
-   +   A-   A+   In  
Hiện nay diện tích trồng rong câu là 9.830 ha, chiếm gần 50% diện tích có khả năng trồng (18.050 ha). Các cơ sở chế biến agar hàng năm tiêu thụ khoảng 5.100 tấn rong câu khô và tập trung chủ yếu tại Hải Phòng và Thái Bình, với khoảng 6 nhà máy lớn có công suất 60-150 kg agar/ngày và khoảng 20 cơ sở chế biến nhỏ của tư nhân công suất 10-20 kg agar/ngày. Sản lượng agar của Việt Nam khoảng 430 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong quy trình sản xuất agar hiện tại cũng có những bức xúc cần phải giải quyết đó là việc thải ra ra môi trường hàng năm hàng chục nghìn mét khối nước thải kiềm (nước rửa trong quy trình sản xuất agar) và hàng nghìn tấn bã rong chưa có biện pháp tái chế hợp lý gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó nước thải kiềm có chứa một số lượng đáng kể các chất như carbohydrat, protein, acid amin, chất hữu cơ, nitơ, kali hữu cơ có thể tận dụng làm nguyên liệu cho sản xuất bón sinh học.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước thải kiềm có chứa hàm lượng cao các hoạt chất sinh học trong quy trình xử lý nước thải trên, TS. Võ Mai Như Hiếu cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải kiềm của quá trình sản xuất agar và thu hồi, tái chế các thành phần có ích thành phân bón sinh học qua lá” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu hoàn thiện được quy trình công nghệ và thiết bị xử lý nước thải kiềm của quá trình sản xuất agar và thu hồi, tái chế các thành phần có ích thành phân bón sinh học qua lá góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

1. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất phân bón lá FV-01 từ nước thải kiềm trong quy trình sản xuất agar bao gồm quy trình xử lý nguyên liệu đầu vào; quy trình cô đặc; quy trình bảo quản vận chuyển sản phẩm; quy trình đóng gói sản phẩm.

2. Hoàn thiện quy trình ứng dụng phân bón lá FV-01 trên 5 đối tượng cây trồng: cây lúa; cây chè, cây cam; cây dưa chuột và cây hoa thương mại. Sản phẩm FV-01 khi sử dụng phun với liều lượng 2,7 lít/ha canh tác đều cho năng suất cao hơn đối chứng từ 10,2 - 11,7% trên các đối tượng cây trồng trên. Những quy trình này đã được ứng dụng có hiệu quả cao trên nhiều vùng sinh thái nông nghiệp. Sản phẩm khi triển khai cho các hộ nông dân sử dụng đều được đánh giá cao.

3. Hoàn thiện các thiết bị, xây dựng được mô hính xưởng sản xuất phân bón lá sinh học từ nước thải kiềm công suất 400 lít/ngày. Sản phẩm đạt chất lượng tốt, được bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật của các cơ sở sản xuất, các cơ quan nghiên cứu, các trường, các viện khoa học nông nghiệp trong cả nước đánh giá cao.

4. Bước đầu sản phẩm FV-01 được giới thiệu rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.

5. Dự án đã xây dựng được mô hình ứng dụng trên các vùng sinh thái tại các tỉnh Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bính, Đăk–Lăk, Quảng Nam, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận... trên các đối tượng cây trồng: sản phẩm chè và chè an toàn; rau an toàn, lúa, lạc, đậu đỗ cà phê, hoa thương mại.

Dự án nghiên cứu cũng đã đạt và vượt mức trên hầu hết các sản phẩm khoa học công nghệ khác, nhất là sản phẩm đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho công nhân. Hiệu quả kinh tế xã hội của dự án rất rõ rệt và có tác động tốt đối với môi trường nông nghiệp trên nhiều vùng sinh thái. Ngoài ra, phương án phát triển sản xuất của dự án sau khi nghiệm thu rõ ràng và hoàn toàn có khả năng thực hiện được.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18309/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5103

Về trang trước Về đầu trang