Tọa đàm nhằm trao đổi học thuật, đánh giá và góp ý cho nội dung nguồn tư liệu mà nhóm nghiên cứu sưu tầm, đồng thời đưa ra hướng sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu này cho các lĩnh vực hoạt động giáo dục, du lịch, văn hóa... có liên quan tại địa phương. Buổi tọa đàm đã được nghe 05 báo cáo tham luận của các chuyên gia trong tổng số 16 bài báo cáo tham luận liên quan đến văn học dân gian người Việt tại tỉnh như: “Cô Sáu: Từ lịch sử đến huyền thoại và văn hóa tâm linh”- PGS.TS Đoàn Lê Giang; “Đất và người BR-VT- chất ngọc của văn hóa dân gian” – TS. Lê Hữu Phước; “Không gian văn hóa xã hội trong truyện kể dân gian BR-VT” – Th. Phùng Thị Thanh Lài; “Tục thờ cá ông ở BR-VT qua truyền thuyết”- NNC. Nguyễn Thanh Lợi; “Truyện dân gian về voi ở BRVT trong bối cảnh Trường Sơn – Tây Nguyên và Nam Bộ”- Ths.NCS. Hà Thị Thới.
Theo TS. La Mai Thi Gia, diện mạo văn học dân gian BR-VT đảm bảo có mặt đầy đủ những thể loại quan trọng trong kho tàng văn học dân gian của cả nước như truyện cổ tích, truyền thuyết, tục ngữ, câu đối, … Dồi dào nhất vẫn là các tác phẩm văn vần (ca dao, hát ru, thành ngữ, tục ngữ, vè), chiếm trữ lượng lớn trong tổng thể các tác phẩm sưu tầm được. Truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười chiếm vị trí ít hơn so với thể loại truyện tâm linh, truyện kháng chiến. Tác phẩm văn học dân gian địa phương qua hai đợt điền dã có trữ lượng cao nhưng chưa thực sự đa dạng do trùng lặp qua lại khá nhiều giữa các địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, sự trùng lặp này lại bao gồm nhiều dị bản khác nhau giúp nâng cao chất lượng tài liệu sưu tầm. Thể loại ca dao, dân ca và truyện kể, đặc biệt là bộ phận truyện kể về địa danh và các sự kiện lịch sử tại địa phương có nội dung khá khác biệt so với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thể hiện tính địa phương đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian của vùng đất BR-VT.
(Đoàn sưu tầm văn học dân gian tại huyện Xuyên Mộc)
Đoàn sưu tầm văn học dân gian tại huyện Đất đỏ
Theo TS. Lê Hữu Phước, trải qua bao nhiêu biến thiên lịch sử tỉnh BR-VT được biết đến như một địa phương vừa giàu giá trị truyền thống vừa tràn đầy tiềm năng và sức bật trên hành trình vươn tới tương lai. Từ quá khứ đến hiện tại, đất và người tỉnh BR-VT đã tạo nhiều di sản vật chất cũng như tinh thần quý báu, trong đó có văn học dân gian. Đất tạo nguồn tài nguyên và người tạo nguồn cảm hứng để văn học dân gian trở thành vốn quý được đắp bồi và lưu truyền qua nhiều thế hệ ở miền đất có danh tiếng này.
Những kết quả đạt được của đề tài“Sưu tầm, giới thiệu văn học dân gian người Việt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” sẽ là cơ sở để địa phương phát huy di sản văn hóa trong cuộc sống hiện tại qua các cách thức khác nhau để đến với các tầng lớp nhân dân.