Qua buổi làm việc hai bên đã thống nhất 4 nội dung hợp tác cùng quan tâm, gồm: hợp tác chung về KH&CN, hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: Đối với hợp tác về KH&CN, Hoa Kỳ được đánh giá là một đối tác quan trọng với nhiều thế mạnh về KH&CN của Việt Nam. Hợp tác KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ được triển khai trên nhiều lĩnh vực: hạt nhân, vũ trụ, SHTT, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công nghệ cao... Bên cạnh đó, những hợp tác về KH&CN tại các Bộ, ngành và địa phương với Chính phủ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các tổ chức, công ty Hoa Kỳ cũng được thúc đẩy mạnh.
Năm 2015 là năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 15 năm ký kết Hiệp định hợp tác KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đến nay đã có 8 khóa họp Ủy ban hỗn hợp về KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ (JCM) được tổ chức. Khóa họp lần thứ 8 (JCM8) được tổ chức vào tháng 9/2013 tại Washington DC, Hoa Kỳ. Bản kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2015 đã được hai bên thống nhất với những nội dung chính như: khoa học y tế và sức khỏe, công nghệ sinh học và nông nghiệp, trao đổi giáo dục và nghiên cứu, khoa học bảo tồn, khí tượng thủy văn và cảnh báo bão.
Đối với hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, năm 2014, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Qua đó, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan có liên quan của hai bên tiến hành các hợp tác cụ thể, như trao đổi với tập đoàn GE-Hitachi về công nghệ lò phản ứng và khả năng hợp tác, đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Hợp tác với Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) - Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (USDOE). Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình INSEP. Hợp tác giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và NNSA về quản lý sự cố bức xạ hạt nhân và năng lực ứng phó sự cố...
Hiện nay Việt Nam đang triển khai việc xây dựng Luật Vũ trụ Việt Nam, trên cơ sở tham khảo một số mô hình Luật vũ trụ của các quốc gia trên thế giới, trong đó không thể không kể đến Hoa Kỳ. Thực hiện chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020, về Hiệp định khoảng không vũ trụ Việt Nam - Hoa Kỳ, phía Việt Nam đã hoàn thành đợt 1 xin ý kiến các chuyên gia và đang tiến hành xin ý kiến, tổng hợp thông tin từ các Bộ, ngành để điều chỉnh nội dung Dự thảo Hiệp định về khoảng không vũ trụ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Dự kiến Dự thảo sẽ được gửi cho phía Hoa Kỳ vào tháng 6/2015. Đồng thời cần thúc đẩy ký kết Hiệp định Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc hợp tác sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình. Mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh biển bằng công nghệ vũ trụ, nghiên cứu khả năng hợp tác trong việc đưa vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Bộ trưởng cho biết.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ thực hiện thông qua cơ chế hợp tác giữa Cục SHTT và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về SHTT vào tháng 9/2001 với các nội dung về xây dựng năng lực, đào tạo và trao đổi thông tin và những kinh nghiệm tốt nhất về SHTT.
Hoa Kỳ là một đối tác đóng vai trò quan trọng trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năm 2013, Hoa Kỳ đã mở đàm phán song phương để lắng nghe quan điểm của Việt Nam về các vấn đề SHTT trong đàm phán TPP. “Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa dành cho Việt Nam - vốn là nước nghèo nhất trong TPP một sự linh hoạt cần thiết. Hiện tại, đàm phán SHTT trong TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn một số vấn đề chưa thống nhất. Trong đó đáng chú ý là các vấn đề liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ dược phẩm, và thực thi quyền SHTT”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Đối với những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt, Ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: TPP là một cơ hội to lớn đối với Việt Nam. Nó thể hiện bước tiến hợp lý tiếp theo trong quá trình Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao này sẽ là những cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam khi nó mở ra những xa lộ thương mại mới vì các rào cản bị dỡ bỏ. Khi TPP được hoàn tất, GDP của Việt Nam sẽ có thể tăng lên tới 30%.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng thông báo với ngài Đại sứ: Trong khuôn khổ “Những ngày Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2015” diễn ra vào tháng 7/2015, Bộ KH&CN sẽ tham gia một số hoạt động: Tham gia Diễn đàn Đối thoại chính sách và Hợp tác kinh tế, đầu tư nhằm trao đổi chính sách, quảng bá, xúc tiến đầu tư và theo các chủ đề hợp tác mà hai bên cùng quan tâm về công nghệ; Tham gia triển lãm giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Bộ KH&CN mong muốn có sự hỗ trợ, phối hợp của Đại sứ quán cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ những sự kiện được tổ chức tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời Bộ trưởng đề xuất phía Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực, nghiên cứu công nghệ, an toàn nhà máy điện hạt nhân trong lĩnh vực hạt nhân và trong các lĩnh vực hợp tác KH&CN khác.