Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ thiết bị truyền thông tin giữa các xe ô tô tham gia giao thông trên đường (16/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong hệ thống đường giao thông thông minh hiện nay, hệ thống V2V đã được phát triển và tích hợp thành hệ thống V2V + V2I (cung cấp các thông tin giữa các xe và giữa xe với hệ thống biển báo, thông tin đường xá, thời tiết và các chướng ngại vật xuất hiện trong vùng hoạt động của xe). Hiện nay, rất nhiều hãng ô tô đã trang bị hệ thống V2V + V2I, ngoài các hãng ô tô ở Mỹ, châu Âu, ở châu Á các hãng xe Toyota, Hyundai, Nissan đã lắp đặt và trang bị các hệ thống này trên các xe du lịch và xe bus. Tuy nhiên giá thành các thiết bị này cao (ví dụ giá bán một bộ thiết bị của hãng mercedes lên tới gần 2500E) và sử dụng giao diện tiếng nước ngoài vì vậy gây khó khăn cho tiếp cận sử dụng đối với người sử dụng xe giao thông trong nước ta.

Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TW 1 có đào tạo các ngành Công nghệ ô tô, máy xây dựng công trình, hệ thống điện, điện tử. Việc tiếp cận và tìm hiểu các hệ thống công nghệ mới trên ô tô là một yêu cầu rất cần thiết nhằm trang bị cập nhật các kiến thức mới cho giáo viên và sinh viên của Nhà trường. Vì thế, năm 2020, nhóm nghiên cứu của ThS. Dương Thế Anh tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ thiết bị truyền thông tin giữa các xe ô tô tham gia giao thông trên đường”.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu, phân tích các yêu cầu về truyền thông tin giữa các xe nhằm cảnh báo sớm các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn trên đường giao thông cao tốc; và nghiên cứu thiết kế chế tạo lắp ráp hệ thống truyền thông V2V (bao gồm 5 bộ thiết bị truyền nhận thông tin lắp trên xe) trên cơ sở ứng dụng công nghệ mạng WiFi DSRC.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm các loại:

- Dạng kết quả 1 (các mẫu hoặc sản phẩm có thể trở thành hàng hóa): 5 bộ thiết bị lắp trên 5 xe tham gia giao thông trên đường để truyền nhận các thông tin về vị trí xe, tốc độ và hướng chuyển động, trạng thái phanh, chuyển làn của các xe cho nhau. Hệ thống còn có chức năng cảnh báo bằng tín hiệu âm thanh khi tới các ngưỡng an toàn quy định (về khoảng cách giữa các xe, hướng chuyển động, lệch làn…).

- Dạng kết quả 2 (nguyên lý ứng dụng, các phần mềm, bản thiết kế): báo cáo nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền thông sóng ngắn giữa các xe ô tô; Chương trình phần mềm truyền dữ liệu thông tin giữa các xe và các tín hiệu cảnh báo sớm cho người điều khiển xe về khả năng ảy ra sự cố; Các bản vẽ thiết kế mạch điện và điện tử lắp ráp thiết bị.

- Dạng kết qủa 3: (các cơ sở dữ liệu, báo cáo phân tích): Báo cáo phân tích về các ứng dụng truyền thông tin trên ô tô, phương pháp định vị trí ô tô.

- Dạng kết quả 4: (bài báo, sách chuyên khảo, đăng ký sở hữu trí tuệ): 01 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Giao thông vận tải về ứng dụng công nghệ DSRC trong truyền thông “Car to Car”.

Kết quả đề tài sẽ cho phép giáo viên Nhà trường tiếp cận và dần từng bước làm chủ được công nghệ truyền thông tin giữa các ô tô hiện đại cũng như công nghệ ô tô tự lái trong tương lai.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18147/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5167

Về trang trước Về đầu trang