Tin KHCN trong nước
Đào tạo nâng cao kiến thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu (10/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 8-9/3/2023, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Trường đại học Tây Nguyên tổ chức Chương trình đào tạo về thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học của các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Quang cảnh buổi khai mạc chương trình đào tạo

Đến dự buổi khai mạc chương trình có ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên.

Mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ các học viên cập nhật thông tin, phân tích được các khía cạnh pháp lý trong toàn bộ tiến trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nắm bắt được quy trình các bước thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như nắm bắt được phương pháp xây dựng kế hoạch khả thi về thương mại hóa kết quả nghiên cứu...

Theo Ban tổ chức, Lớp đào tạo này giúp học viên hiểu sâu hơn và lan tỏa tính tự chủ thực chất cho các đơn vị nghiên cứu. Các học viên sẽ được tiếp thu nội dung các chuyên đề như: Khái quát về thương mại hóa và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thảo luận các cách tiếp cận trong thương mại hóa và lựa chọn tiến trình thương mại hóa. Các bước trong tiến trình thương mại hóa: Phân tích các nghiệp vụ cần thiết trong tiến trình thương mại hóa; thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng tới tiến trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Phân tích quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; thảo luận các tình huống cụ thể tác động từ các quy định pháp lý tới kết quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Định giá và chuyển giao công nghệ; gọi vốn đầu tư trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nghiên cứu thị trường và thiết lập hội đồng thương mại hóa; giới thiệu về dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu do Bộ khoa học và Công nghệ tài trợ.

Ngoài ra, chương trình đào tạo còn giúp học viên hiểu về chính sách đầu tư cho KH&CN là chính sách đầu tư cho phát triển chứ không chỉ là câu chuyện của một ngành, một lĩnh vực, mà dựa trên 3 trụ cột gồm: thể chế, đầu tư, giao quyền và tất cả phải vận hành theo cơ chế thị trường sẽ giúp khoa học công nghệ trở thành động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Từ đó, các học viên hiểu quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hóa được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học, tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, ưu tiên các nhà khoa học, tác giả kết quả nghiên cứu trực tiếp tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp...

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 1164

Về trang trước Về đầu trang