Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp: Người nông dân trồng lúa bằng smartphone (27/02/2023)
-   +   A-   A+   In  
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ở bất kỳ nơi đâu, nông dân cũng có thể nắm rõ tình hình tại đồng ruộng của mình.

Tiết kiệm chi phí, nhân lực, tăng lợi nhuận

Những năm gần đây, một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ lắp đặt một số hệ thống quan trắc trên đồng ruộng như: Trạm quan trắc giám sát khí tượng thủy văn, trạm cảm biến giám sát côn trùng, tưới ngập - khô xen kẽ thông qua hệ thống ống cảm biến... Qua đó, đã giúp nhà nông chủ động trong canh tác lúa ở một số công đoạn quan trọng, góp phần dần định hình một phương thức mới trong canh tác lúa ở vùng ĐBSCL

Mô hình đang được áp dụng công nghệ điện toán đám mây - Cloud computing là mô hình dịch vụ cho phép người truy cập tài nguyên điện toán dùng chung gồm: Mạng, server, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi, theo yêu cầu. Tài nguyên điện toán đám mây có thể được thiết lập hoặc hủy bỏ nhanh chóng bởi người dùng mà không cần sự can thiệp của Nhà cung cấp dịch vụ. Nông dân bất cứ ở đâu cũng có thể bơm nước hoặc rút nước ra khỏi ruộng thông qua điện thoại smartphone. Đặc biệt nhất, nông dân sử dụng 100% máy sạ lúa, vừa bón phân vùi xuống gốc lúa cùng lúc và sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật thông minh, bằng máy bay không người lái trong cả vụ lúa... Kết quả, nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó giúp thu nhập của bà con làm lúa tăng lên ít nhất 20%.

Smartphone thực hiện giám sát ruộng lúa - Ảnh minh họa

Ngoài ra, với những dữ liệu thu thập từ các hệ thống quan trắc được lắp đặt tại đồng ruộng, bằng các thiết bị di động, ở mọi lúc, mọi nơi, nông dân có thể biết được thực trạng nguồn nước tưới tiêu, độ pH, độ mặn… và tình hình sâu bệnh hại, cũng như sự thay đổi của thời tiết để chủ động xử lý kịp thời. Đây là cách làm hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa và hướng tới nền nông nghiệp hiện đại… Hình thức sản xuất khá mới mẻ này được nhà nông gọi là canh tác lúa từ xa.

Đặc biệt, mô hình có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất. Ước tính, lợi nhuận trung bình nông dân thu về gần 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4,3 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác thông thường. Mô hình canh tác lúa lý tưởng đã ứng dụng các thông tin và máy móc hiện đại phục vụ quá trình quản trị sản xuất cây lúa từ nước, phân bón, từ chỉ dẫn môi trường, độ PH để đưa ra những hành động phù hợp với sự sinh trưởng, đảm bảo năng suất tối đa của cây lúa. Từ đó đảm bảo được chuỗi khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, gắn đến xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm.

“Trồng lúa” bằng Smartphone

Chia sẻ về “bí quyết” Hợp tác xã Mỹ Đông 2, thuộc huyện Mỹ Đông, tỉnh Đồng Tháp có thể thay thế cho tất cả thành viên để canh tác 170ha lúa, ông Lê Văn Nguyện - Giám đốc HTX tiết lộ: Được thành lập từ năm 2014, diện tích canh tác hiện tại hơn 575ha với 108 xã viên. Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước biến tần. Sau đó, một doanh nghiệp ở tỉnh Trà Vinh đến cung cấp phần mềm trên thiết bị Smartphone (điện thoại thông minh), đồng thời lắp đặt thêm hệ thống cảm biến mực nước trên đồng ruộng, đặt máy bẫy rầy… đồng thời, chuyển giao công nghệ này cho HTX vận hành đến nay.

Theo ông Nguyện, phần mềm được cài đặt trên với các tính năng như quan trắc nước sông; giám sát sâu rầy; quản lý thiết bị máy bơm; dự báo thời tiết; canh tác lúa… “chỉ cần điện thoại có kết nối với mạng internet thì tất cả các thành viên đều theo theo dõi ruộng lúa của mình qua Smartphone được hết. Tuy nhiên do đa số nông dân còn chưa quen với công nghệ, có người chỉ xài loại điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi nên mọi việc cứ HTX lo hết”, ông Nguyện cho biết.

Hệ thống quan trắc mực nước trên đồng ruộng kết nối qua điện thoại di động

Thừa nhận mình “dốt” công nghệ, nông dân Nguyễn Văn Đồng - một người nông dân kì cựu tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 cho rằng, bây giờ ông không phải làm ruộng như ngày xưa, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Với 18ha lúa canh tác cùng HTX ông mạnh dạn giao cho mấy người con dùng Smartphone canh tác vì từ khâu xuống giống, phun thuốc, rải phân, thu hoạch lúa được cơ giới hóa 100%. “Nông dân chúng tôi chỉ việc ngồi ở nhà vẫn biết đồng ruộng khô nước hay đang bị sâu rầy như thế nào. Chỉ cần nhấc máy “alo”, HTX sẽ xử lý ruộng đầy nước, còn sâu, rầy thì có “biệt đội Drone” đến tận ruộng phun xịt”, ông Đồng chia sẻ.

Về hiệu quả mô hình canh tác lúa như hiện nay, đa số nông dân đều hài lòng về năng suất cũng như tiết kiệm được chi phí. Nhờ trạm bẫy rầy, bà con giảm lượng phun thuốc đáng kể. Còn trạm vách ngăn máy bơm nước biến tần thì giảm thời gian bơm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Sau khi trừ hết chi phí mỗi vụ bà con thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha.

Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyện cho biết: Hiện tại, Ban Quản trị HTX đã xây dựng mã vùng trồng cho hơn 508ha, doanh nghiệp bao tiêu sản lượng lúa từ 80-90%. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển thêm các dịch vụ trong nông nghiệp ngoài dịch vụ bơm nước hiện tại, như đầu tư thêm máy bay không người lái để làm dịch vụ phun thuốc, rải phân, sạ lúa. Song song đó, HTX sẽ chuyển một ít diện tích lúa sang cây ăn trái. Đồng thời, thực hiện các công tác bao tiêu lúa mang tính bền vững, đảm bảo lợi ích của nông dân và doanh nghiệp. Tiết kiệm chi phí, nhân lực, tăng lợi nhuận.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 5460

Về trang trước Về đầu trang