Chuyển đổi số
Gắn chuyển đổi số với thực hiện công vụ, hình thành công chức điện tử (25/02/2023)
-   +   A-   A+   In  

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cần gắn chuyển đổi số với quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ. Việc này không chỉ giúp hình thành công chức điện tử, mà còn là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngày 25/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan nhà nước

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, với chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường hoàn thiện thể chế về gửi nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực

Đồng thời, VPCP cũng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan nhà nước và đạt được một số kết quả nổi bật.

Trong đó, gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, đến nay khoảng 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử; 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số; trung bình hàng tháng có trên 550 nghìn văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử ở 4 cấp hành chính; các hội nghị, họp trực tuyến; báo cáo điện tử (69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ).

Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 15 bộ, cơ quan, 63 địa phương để tổng hợp, cung cấp 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến, hình thành 3 Bộ chỉ số điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: Cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bộ chỉ số về kinh tế-xã hội …

"Họp ở đây nhưng Lãnh đạo Chính phủ có thể biết được tình hình, kết quả thực hiện thủ tục hành chính của một xã, một huyện, thậm chí một hồ sơ đến từng cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết theo thời gian thực", Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.

Trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, chúng ta đã đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính hướng tới chỉ yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ một lần; sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tự động hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; nhất là, việc thực hiện quyết liệt Đề án 06.

Vẫn chưa phát huy được nhân tố con người 

Tuy nhiên, các kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Thực tế, công tác chuyển đổi số vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đầu tiên, đó là, chưa phát huy được nhân tố con người (cả cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp) với vai trò là trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số, thậm chí, nhiều cơ quan, đơn vị coi đây là nhiệm vụ của một số cá nhân, bộ phận; kết quả thực hiện chưa đến được hoặc chưa hướng tới người dân.

Thứ hai, dữ liệu là tài nguyên chiến lược của Cách mạng 4.0 nhưng việc xây dựng dữ liệu còn chậm, chất lượng dữ liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về "có dữ liệu, nhất là dữ liệu phải đúng, đủ, sạch, sống".

Thứ ba, tính dẫn dắt của cải cách để khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị của các dữ liệu đã có phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được quan tâm triển khai.

"Chẳng hạn, năm 2022, mới chỉ có khoảng 1% hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, giấy tờ đã có trong các cơ sở dữ liệu để cắt giảm khai báo thông tin, cung cấp giấy tờ của người dân,… Như vậy là còn rất thấp", Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Thứ tư, việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng triển khai theo yêu cầu mới. Ví dụ, việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đến nay chưa hoàn thành do còn 20 bộ, ngành và 3 địa phương chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, nhưng không có nghĩa làm thay, làm hộ

Để tiếp tục triển khai chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong triển khai chương trình chuyển đổi số và Đề án 06 tại bộ, ngành, địa phương phụ trách. Nâng cao chất lượng tham mưu của cơ quan, đơn vị tham mưu về chuyển đổi số ở bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, tập trung gắn chuyển đổi số với quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

"Tất cả quá trình xử lý hồ sơ, công việc, báo cáo của cán bộ, công chức phải được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này không chỉ giúp hình thành công chức điện tử, mà còn là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai Đề án 06, đặc biệt là việc hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, thông tin phải cung cấp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân.

Phải bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, nhưng không có nghĩa là làm thay, làm hộ, mà cần hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao kỹ năng số, hình thành công dân điện tử.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Đất đai, tài chính, an sinh xã hội,… Rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh, kết nối, chia sẻ phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, trong đó cần nghiên cứu, áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong tổng hợp, phân tích, dự báo để hỗ trợ kiểm soát thực thi và quá trình ra quyết định.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp thông qua việc phát huy vai trò của Tổ công tác Đề án 06 của địa phương, Tổ công nghệ số cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại địa phương như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… 

"Đặc biệt, cần quan tâm triển khai giải pháp toàn diện để bảo đảm sự tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là nhóm yếu thế, nhóm có khả năng hạn chế về công nghệ để "không ai bị bỏ lại phía sau", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nêu ý kiến.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 661

Về trang trước Về đầu trang