Tin KHCN trong nước
Bắc Giang: Hiệu quả từ đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ (23/02/2023)
-   +   A-   A+   In  

Đối với tỉnh Bắc Giang, mặc dù đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân chung của cả nước, song cơ chế quản lý, cách tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất-kinh doanh.

Bắc Giang: Hiệu quả từ đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ - Ảnh 1.

Trồng dưa lưới trong nhà màng tại vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Yên Dũng, Bắc Giang

Điểm đến của công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mặc dù là tỉnh nằm trong vùng trung du và miền núi phía bắc, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao… là điểm đến của hàng loạt các doanh nghiệp công nghệ lớn như Apple, Foxconn, Luxshare để tạo các sản phẩm như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời...

Đây là những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thương hiệu toàn cầu góp phần tạo nên và quảng bá hình ảnh một Bắc Giang mới, điểm đến của công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong nông nghiệp, nhắc đến Bắc Giang là nhớ đến hình ảnh vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; vùng cây ăn quả đặc sản với quy mô gần 50 ngàn ha với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo…; vùng sản xuất miến dong Sơn Động, chè Yên Thế, khoai tây Lạng Giang, Yên Dũng; vùng sản xuất dược liệu như: Ba kích Lục Nam, Sơn Động, sâm tố nữ Yên Thế, diếp cá, mã đề Hiệp Hòa; vùng trồng rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao được phát triển mạnh mẽ ở các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa…

Nhờ ứng dụng công nghệ nên năng suất cây trồng, vật nuôi tại các vùng này tăng từ 10-15%, giá bán bình quân tăng từ 20-30%. Các nghiên cứu, ứng dụng trong quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với đặc điểm sinh thái, nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp phục vụ cho công nghiệp chế biến và phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề đã tạo nhiều nông sản hàng hoá, tạo thêm nghề và việc làm mới ở nông thôn. 

Để đạt được những kết quả đó, trong thời gian qua, Sở KH&CN Bắc Giang đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN.

Sở đã tập trung cho công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra và xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, như: Quản lý đo lường, chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn, xăng dầu... Qua đó, đã có tác động tích cực đến xã hội, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá đảm bảo chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đã được quan tâm và lựa chọn các cơ sở để xây dựng mô hình điểm áp dụng.

Nhiều sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cấp chứng nhận bảo hộ về sở hữu trí tuệ, như: Vải thiều Lục Ngạn, mây tre đan Tăng Tiến, rượu Làng Vân, mật ong Lục Ngạn, mỳ Kế, nếp Phì Điền, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng... đã giúp tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đối với tỉnh Bắc Giang, mặc dù đầu tư cho KH&CN chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân chung của cả nước, song cơ chế quản lý các tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đã thực hiện hoạt động KH&CN. Phạm vi hoạt động của các tổ chức này được mở rộng. Quyền tự chủ về tài chính bước đầu được triển khai áp dụng đối với các tổ chức thực hiện KH&CN.

Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về KH&CN đã được cải tiến một bước thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở, bộ phận quản lý KH&CN cấp huyện.

Trong năm qua, tổ chức quản lý KHCN cấp huyện, các huyện đều có Hội đồng KH&CN với chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức thống nhất theo hướng dẫn. Hoạt động KH&CN cấp huyện đã ổn định, đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, tổ chức triển khai ứng dụng kết quả KHCN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn. 

Để thực sự là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Những kết quả trên đã khẳng định vai trò của KH&CN tạo động lực trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế. Song qua đánh giá cũng cho thấy tiềm lực KH&CN của tỉnh còn chưa thực sự đủ mạnh để trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin bước đầu được triển khai ứng dụng song kết quả chưa cao. Nhiều vấn đề bức xúc của sản xuất chưa được tập trung nghiên cứu, giải quyết như: Vấn đề chế biến, bảo quản, tiêu thu nông sản sau thu hoạch.

Trong thời gian tới, Bắc Giang xác định phát triển KH&CN phải góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh theo hướng phát triển bền vững nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2025.

Tỉnh sẽ tăng cường tiềm lực KH&CN, kể cả nguồn nhân lực, mức đầu tư cho KH&CN, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thông tin phục vụ hoạt động KH&CN; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng các chương trình, kế hoạch KH&CN triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội XIX của tỉnh; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt là tái cấu trúc các chương trình KH&CN trong đó chú trọng đến phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0... nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong kết cấu hạ tầng số của tỉnh làm tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ ở các lĩnh vực khác. Ứng dụng chuyển giao KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng lợi thế, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, quan tâm chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 931

Về trang trước Về đầu trang