Tiêu chuẩn ĐLCL
Nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (06/03/2023)
-   +   A-   A+   In  
Trong năm 2023, Tổng cục TCĐLCL tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và công tác kiểm tra nhà nước về TCĐLCL với các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động về lĩnh vực TCĐLCL.

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), trong năm 2022 vừa qua, Tổng cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, duy trì chế độ làm việc theo quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Đồng thời, thống nhất và từng bước đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tích cực, sát sao chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL, đảm bảo các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia, để "vượt" qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đảm bảo xuất khẩu bền vững.

Cũng trong năm 2022, hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và Quy chuẩn địa phương (QCĐP) tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, nhằm thống nhất, đơn giản, hài hòa, tối ưu hóa, tự nguyện và chia sẻ; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế, Tổng cục đã triển khai xây dựng hồ sơ dự thảo Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, trình Bộ KH&CN để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đồng thời, Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Tổng cục cũng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO/TBT, EVFTA, CPTPP,…).

Năm 2022, Tổng cục đã thực hiện cấp mới hơn 6.700 mã doanh nghiệp GCP và hơn 250 mã địa điểm toàn cầu GLN. Tổng cục tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) nhằm thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu như: Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng xây dựng các TCVN về truy xuất nguồn gốc, đến nay đã có 23 TCVN về truy xuất nguồn gốc được công bố.

Thương mại quốc tế, trong số các biện pháp phi thuế quan có hàng rào kỹ thuật và tại nhiều quốc gia, chính hàng rào kỹ thuật nhiều khi làm cản trở rất lớn đối với thương mại khi việc hàng hóa của nước này không thể xâm nhập được vào thị trường các nước khác, đây là điều thường xuyên diễn ra. Vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải hiểu biết thị trường để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng đáp ứng thị trường quốc tế và cùng với cơ quan quản lý nhà nước để loại trừ các hàng rào kỹ thuật về bảo hộ, về tiêu chuẩn, về chất lượng...

Ảnh minh hoạ

Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại quốc tế (Hiệp định WTO/TBT) là hiệp định với các biện pháp kỹ thuật gây ảnh hưởng đến thương mại, bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn. Tuy nhiên trong thực tiễn cần hiểu hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo nghĩa rộng hơn, như các quy định về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt các yêu cầu liên quan đến an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường; các yêu cầu về kiểm dịch động, thực vật; các yêu cầu bao gói; ghi nhãn; các quy định về đánh giá sự phù hợp, như thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm tra; truy xuất nguồn gốc và các quy định khác... Vì vậy, Tổng cục hỗ trợ các doanh nghiệp để vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Những nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2023

Theo TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, năm 2023, Tổng cục tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL để thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong tình hình mới, tạo môi trường thông thoáng cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng cục hoàn thiện để ban hành Đề án “Chiến lược tiêu chuẩn hóa Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030”; “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” và Đề án “Chuyển đổi số ngành TCĐLCL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đặc biệt, trong năm 2023, Tổng cục nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và công tác kiểm tra nhà nước về TCĐLCL với các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động về lĩnh vực TCĐLCL; tăng cường công tác hậu kiểm đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chính phủ điện tử, tăng cường giải quyết công việc trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục, cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, nhất là triển khai qua cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công các cấp.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp, năm 2023, cần thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực phục vụ hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và TCĐLCL. Ngoài ra, báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ KH&CN thực hiện tốt nghĩa vụ về TBT (rào cản kỹ thuật trong thương mại), tránh tình trạng các biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam bị nêu ra thành quan ngại thương mại kéo dài do không thực hiện nghĩa vụ Thành viên của Việt Nam. Đặc biệt các đơn vị liên quan cần lấy ý kiến Tổng cục đối với các hồ sơ dự thảo QCVN có khả năng tạo ra quan ngại thương mại quốc tế trước khi thẩm định hồ sơ nhằm đảm bảo nghĩa vụ minh bạch hóa theo cam kết về rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về TCĐLCL, năng suất chất lượng, cảnh báo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động TCĐLCL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thống nhất mô hình hoạt động của các Chi cục TCĐLCL địa phương trên cả nước để đảm bảo phục vụ quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả cao hơn.

 

Nguồn: vietQ

Số lượt đọc: 1772

Về trang trước Về đầu trang