Tin KHCN trong nước
Đổi mới tư duy để huy động nguồn lực đầu tư công nghệ trong nông nghiệp (22/02/2023)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 22/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Mục tiêu Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. 

Xây dựng hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT trong việc huy động nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp. 

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và môi trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Thanh Thủy  chia sẻ, hiện nguồn tài chính cho khoa học công nghệ không thiếu nhưng nằm ở những đầu mối khác nhau như các chương trình quốc gia, nguồn từ địa phương, nguồn từ các doanh nghiệp trong khi ở Bộ chỉ một phần nhỏ nhưng việc khai thác bên ngoài Bộ còn rất yếu. Vai trò của các cơ quan nội tại trong Bộ, các cục, đơn vị, các trung tâm, các viện, các trường và khối các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Nếu không đổi mới tư duy thì việc huy động nguồn lực bên ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo GS. Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chiến lược đã cụ thể hóa chi tiết kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, vấn đề là cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thể chế khoa học công nghệ trong nông nghiệp: "Để khoa học công nghệ phát triển thì việc giải phóng được nguồn lực là rất quan trọng tuy nhiên, việc này không dễ. Bộ NN&PTNT cũng đã có sáng kiến là xây dựng cơ chế thí điểm để đề xuất các cấp có thẩm quyền thay đổi luật và các văn bản dưới luật để phát huy tiềm lực của khoa học công nghệ".

Các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng cần có sự đóng góp tích cực hơn nữa của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ có vai trò quan trọng và quyết định trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian qua. Cụ thể hóa Chiến lược, các đơn vị trực thuộc cũng như các viện, trường phải nhận thức rõ và cụ thể hóa bằng hành động trong lĩnh vực mình quản lý.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận: "Tại sao các doanh nghiệp phải đi thuê đất, vay vốn ngân hàng bỏ tiền thuê chuyên gia vẫn làm có hiệu quả. Nhà nước giao cơ sở vật chất, chi trả lương cho nghiên cứu khoa học thì các đơn vị, viện, trường phải nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, phải thay đổi tư duy của thời bao cấp. Chúng ta đã có Chiến lược của các lĩnh vực ngành hàng, hàng năm phải rà soát để khi tổng kết phải chỉ ra những gì đạt được, nguyên nhân khách quan chủ quan bài học kinh nghiệm, trong đó những giải pháp về khoa học công nghệ là giải pháp rất quan trọng".

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 5069

Về trang trước Về đầu trang