Chuyển đổi số
Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh (03/01/2023)
-   +   A-   A+   In  
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu.

1.Mục đích

- Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số quốc gia.

- Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả phấn đấu đến năm 2025 thực hiện phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo các mục tiêu cụ thể của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; Quyết định số 2207/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính và Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 20/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

- Thông qua phong trào thi đua, phát huy, khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức và cá nhân, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh, trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.

2. Đối tượng thi đua

- Tập thể: Cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Nội dung phong trào thi đua

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các Nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tăng cường triển khai giải pháp an ninh mạng; giải pháp kết nối liên thông dữ liệu mở. Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số.

- Tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

- Ưu tiên đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.

- Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế của tỉnh.

- Tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

-  Tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: vực y tế; giáo dục và đào tạo; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; thương mại điện tử, năng lượng; tài nguyên và môi trường; doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp; du lịch; dân cư; thông tin và truyền thông (phát thanh, truyền hình).

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao và nội dung của Kế hoạch này tổ chức triển khai đầy đủ theo quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức phong trào thi đua trên địa bàn, lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của địa phương gắn kết với ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền số các cấp, thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thị thông minh.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tích cực vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào thi đua chuyển đổi số; tích cực nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, lựa chọn đảm nhận những nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện chuyển đổi số, gắn với các phong trào và các cuộc vận động khác do các đoàn thể đang triển khai thực hiện, tạo động lực mới cho việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường hỗ trợ về ứng dụng công nghệ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thông tin nhằm phục vụ tốt cho hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp báo cáo tình hình tổ chức thực hiện phong trào thi đua về Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) (trước ngày 20/12) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đính kèm kế hoạch 

Nguồn: UBND tỉnh BR-VT

Số lượt đọc: 994

Về trang trước Về đầu trang