Công tác khác
Triển khai nhân rộng, áp dụng các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh (21/12/2022)
-   +   A-   A+   In  

Năm 2022, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì theo chiều hướng tích cực, có sự quan tâm trong chỉ đạo điều hành thực hiện tốt công tác CCHC, đề ra những mô hình sáng kiến, cách làm hay, thiết thực trong công tác CCHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đối với người dân, doanh nghiệp. Trong đó có những mô hình phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận và phản hồi tốt cần được nhân rộng áp dụng đến nhiều đơn vị khác.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai, áp dụng nhân rộng một số mô hình sáng kiến, cách làm hay trong công tác CCHC đảm bảo hiệu quả, đồng bộ, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị. Cụ thể như sau:

I. Các mô hình sáng kiến trong công tác CCHC:

1. Mô hình “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói” của UBND thị trấn Long Hải huyện Long Điền: Thực hiện tổ chức đối thoại với công dân để kịp thời tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của người dân.

2. Mô hình “ Ký số Bản đồ khổ lớn” của Trung tâm Công nghệ Thông tin trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường: Ký số bản đồ khổ lớn thay bản đồ giấy trước đây để tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng Dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trực tuyến của các cơ quan nhà nước.

3. Mô hình “Ngày thứ năm không chờ”: Chọn những thủ tục hành chính đơn giản, giải quyết ngay trong ngày, thời gian giải quyết từ 30 phút đến 60 phút hoặc nửa buổi, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian chờ đợi.

 (Kèm phụ lục cách thức thực hiện các mô hình)

II. Những giải pháp, cách làm hay trong việc thực hiện CCHC:

1. Đối với chỉ số PAPI:

1.1. Giải pháp : “Biên tập, xuất bản Tờ gấp tuyên truyền”: Gửi xuống các thôn ấp, khu phố để nhân dân nắm được nội dung hiệu quả quản trị và hành chính công. Các đơn vị, địa phương đưa tin, bài, các nội dung tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử.

1.2. Giải pháp: “Tổ chức tập huấn phổ biến các nội dung nâng cao Chỉ số PAPI”: Tổ chức tập huấn phổ biến các nội dung nâng cao Chỉ số PAPI cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và đội ngũ Bí thư chi bộ, trưởng thôn, ấp, khu phố giúp CBCC và người hoạt động không chuyên trách dễ dàng tiếp cận các thông tin cần biết để tuyên truyền nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tại địa phương.

1.3. Giải pháp: “ Đảng ủy xã, phường, thị trấn ban hành Nghị quyết trong việc lãnh đạo giám sát thực hiện chỉ số PAPI ”: Đảng ủy ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, giám sát việc thực hiện chỉ số PAPI; Giao chính quyền cùng cấp phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức cấp xã, các thôn ấp, khu phố việc thực hiện chỉ số PAPI. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện cho Đảng ủy, trên cơ sở đó Đảng ủy thực hiện công tác kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

2. Đối với Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI

2.1. Giải pháp: “Lập nhóm Zalo với người dân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính”: Nhằm thông tin về tiến độ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời lấy kết quả tổng số người sử dụng này để khảo sát chất lượng dịch vụ hành chính công trên tin nhắn Zalo. Kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ hành chính công qua tin nhắn ZALO.

2.2. Giải pháp: “Thiết lập Trang thông tin PCI và Fanpage trên Facebook về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh”: Truyền tải kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh; các chỉ đạo của UBND tỉnh về khuyến khích các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh đến các nhà đầu tư doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.3. Giải pháp: “Giao các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình hàng quý chủ động đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”: Mục đích lắng nghe, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định.

III. Trách nhiệm thực hiện:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nghiên cứu, vận dụng mô hình nêu trên để thực hiện tại cơ quan, địa bàn mình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế cơ quan, đơn vị mình.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình hoặc đơn vị khác có khả năng ứng dụng trên địa bàn báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để đánh giá, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

2. Các cơ quan hành chính cấp tỉnh nghiên cứu mô hình 2 tại phần I văn bản này để triển khai áp dụng tại cơ quan, đơn vị.

3. UBND cấp huyện nghiên cứu mô hình 1, 2, 3 tại phần I và các giải pháp 1.1, 1.2, 1.3 tại mục 1 phần II văn bản này triển khai áp dụng tại UBND cấp huyện và tại UBND cấp xã trên địa bàn.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải pháp 2.1 tại mục 2 phần II văn bản này  tham mưu UBND tỉnh triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải pháp 2.2, 2.3 tại mục 2 phần II văn bản này tham mưu UBND tỉnh triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Nội vụ:

- Phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan triển khai áp dụng các giải pháp 1.1, 1.2 tại mục 1 phần II văn bản này đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì việc tập hợp, khảo sát các mô hình sáng kiến, giải pháp cách làm hay trong công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị; đồng thời chủ động tìm hiểu, học tập các mô hình sáng kiến, cách làm hay tại các tỉnh, thành phố; phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai nhân rộng, áp dụng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc nhân rộng các mô hình sáng kiến của các cơ quan, đơn vị; hướng dẫn chế độ báo cáo về kết quả thực hiện, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý đối với các cơ quan, đơn vị không triển khai thực hiện hoặc triển khai chưa hiệu quả các mô hình, cách làm hay trong công tác CCHC nêu trên.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; UBND cấp huyện nghiêm túc thực hiện./.

Xem nội dung chi tiết công văn tại đây

 

Nguồn: UBND tỉnh BR-VT

Số lượt đọc: 953

Về trang trước Về đầu trang