Tin KHCN trong nước
Khoa học công nghệ - bệ đỡ phát triển kinh tế nhanh, bền vững (15/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có những đột phá mạnh mẽ về khoa học công nghệ để tiếp cận các thành tựu tiên tiến, hiện đại của thế giới, từ đó tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đi vào chiều sâu, khẳng định vai trò đầu tàu thúc đẩy Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cùng phát triển.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm khoa học công nghệ cao được trưng bày tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được đánh giá là khu công nghệ có hiệu quả nhất trong ba khu công nghệ cao quốc gia hiện nay. Đến nay, SHTP đóng góp lớn trong thu hút đầu tư công nghệ cao vào sản xuất công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện, SHTP có nền tảng khoa học công nghệ phát triển khá đồng bộ, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao về vi mạch bán dẫn, nano, sinh học, dược phẩm, nền tảng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo (AI). Hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong cơ cấu giá trị sản phẩm tăng dần, vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm tại các khu công nghiệp khác của cả nước. Tính đến nay, SHTP có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD.
Dự kiến năm nay, SHTP đạt kim ngạch xuất khẩu 23 tỷ USD, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao. SHTP là nơi có năng suất lao động cao gấp 6,6 lần so với năng suất bình quân của thành phố và 16,6 lần cả nước.
Với kết quả thu hút đầu tư hết sức ấn tượng, SHTP đã vươn tầm thương hiệu quốc tế, trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao cả nước. Minh chứng là đã có hơn mười tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư tại SHTP như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp)…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết: SHTP đã hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, R&D, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại SHTP (Made in Việt Nam). Đồng thời, là cơ sở lan tỏa công nghệ cao ra bên ngoài và hạt nhân xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh.
SHTP đang bước sang giai đoạn phát triển mới, trọng tâm là tập trung phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, tác động lan tỏa cao trên cơ sở khai thác các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại SHTP; tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở khai thác các thế mạnh về chất lượng nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thành phố ngày càng đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các đơn vị khoa học công nghệ công lập; xây dựng được nhiều mô hình khoa học công nghệ mạnh như Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu triển khai (SHTP), Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh…
Tiến sĩ Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai (SHTP) chia sẻ: Từ các công nghệ nguồn (công nghệ nano và công nghệ MEMS) do các chuyên gia nước ngoài và Việt kiều chuyển giao, Trung tâm Nghiên cứu triển khai đã làm chủ công nghệ này và áp dụng vào thực tiễn tại thành phố nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao.
Trong bảy năm qua, số lượng sản phẩm thương mại hóa từ hai công nghệ nguồn (công nghệ nano và công nghệ MEMS) đạt số lượng 24 sản phẩm. Trong đó, những sản phẩm có doanh thu tương đối cao như sản phẩm Nacur Vital (sử dụng công nghệ nano để biến curcumin thành nanocurcumin); sản phẩm hệ thống cảnh báo mực nước (sử dụng chip cảm biến áp suất từ công nghệ MEMS); sản phẩm serum trị mụn Acnegen ứng dụng công nghệ nano vàng dạng lưỡng tháp; sản phẩm “Viên uống chống nắng Bio Suncare” ứng dụng công nghệ nano lycopen, và nhiều sản phẩm khác…
Công nghệ số đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội. Từ thực tế này và những kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu là phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước.
Theo đó, đến năm 2030, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á...

Nguồn: nhandan.vn

Số lượt đọc: 3968

Về trang trước Về đầu trang