Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học (30/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Việc chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường sẽ góp phần đưa những phát minh, sáng chế và công nghệ mới có ích được ứng dụng vào sản xuất.

Chiều 29/11/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” - Bộ Khoa học & Công nghệ, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và tạp chí Nông thôn Việt đã phối hợp tổ chức chương trình “chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường”.
Chương trình được sự chủ trì của Bộ Khoa học & Công nghệ và được tài trợ bởi chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc (Aus4innovation).
Sự kiện được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy thương mại hóa và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo các cơ hội kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các tổ chức/quỹ tài chính, nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường hợp tác và thu hẹp khoảng cách giữa khối tạo ra tri thức và khối ứng dụng tri thức.
Nhiều dự án nghiên cứu khoa học có tiềm năng thương mại được lựa chọn để hợp tác đầu tư và phát triển thị trường
Thông qua chương trình, các nhà đầu tư có cơ hội đánh giá, lựa chọn các dự án tốt, có tiềm năng thương mại để hợp tác đầu tư và phát triển thị trường.
Mặt khác, các tổ chức, cá nhân sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ có điều kiện chia sẻ tri thức, nâng cao năng lực về chuyển giao công nghệ, kết nối và thu hút đầu tư, xúc tiến thị trường.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án VCIC, chuyển hóa tri thức thành hàng hóa có giá trị cao, đặc biệt là giá trị kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là thước đo của quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tài sản trí tuệ.
Nằm trong chuỗi VCIC Connect, chương trình “chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường” sẽ góp phần đưa những phát minh, sáng chế và công nghệ mới có ích được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, giúp tăng năng suất, chất lượng; ứng dụng vào thực tiễn đời sống, đóng góp cho người dân và cộng đồng.
Tại sự kiện, nhiều dự án, kết quả nghiên cứu khoa học đã được giới thiệu, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điển hình như dự án hệ thống giám sát an toàn lao động trên nền tảng IoT và mũ bảo hộ tích hợp thiết bị giám sát trang thái an toàn, ông Lê Đình Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Kỹ thuật Lê Dương cho biết hệ thống này sẽ giúp giám sát sức khỏe và vị trí làm việc của nhân sự, qua đó tiết kiệm chi phí quản lý nhân sự, kịp thời phát hiện và ứng cứu nếu có tai nạn.
Bên cạnh đó, giải pháp IoT giám sát các hệ thống chữa cháy của cơ sở sẽ giúp giải quyết bài toán kết nối và điều hành được nhiều hệ thống báo cháy đang lưu hành.
Tại chương trình, các nhà đầu tư cũng đã được tìm hiểu về công nghệ bê tông xanh và chất kết dính bê tông netzero Asigeo, công nghệ phân tách đa tầng khoáng biển, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh dùng trong thuỷ sản…
Bên cạnh phiên thảo luận chung, chương trình còn tổ chức kết nối B2B - kết nối và thảo luận trực tiếp giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có công nghệ, dự án được nhà đầu tư quan tâm.

Nguồn: congthuong.vn

Số lượt đọc: 4128

Về trang trước Về đầu trang