Hội thảo đã thu hút sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức đại diện và tổ chức, cá nhân quan tâm đến từ các tỉnh miền Trung và miền Nam. Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và ông Lê Quang Khôi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng đã bày tỏ sự chia sẻ với nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam trong việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Trong bối cảnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu xác lập, bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài cũng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc tìm hiểu, tiến hành các thủ tục cần thiết và đăng ký thành công quyền đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng vẫn còn là một thách thức rất lớn đối với người nộp đơn Việt Nam, và cần sự giúp sức và đồng hành của các cơ quan quản lý của Trung ương cũng như địa phương, nhất là các Bộ, Ngành liên quan. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng” có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần thúc đẩy việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Đồng thời, đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài nhằm triển khai Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 Phiên họp thường kỳ tháng 4/2021 của Chính phủ.
Ảnh 1 – Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Cục trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng khi Tiền Giang là điểm đến của Hội thảo. Với thế mạnh là vựa trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đã và đang thu được những kết quả đáng khích lệ trong các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Sự quyết tâm đưa các đặc sản địa phương ra thế giới của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân tỉnh Tiền Giang là một điểm sáng, góp phần quan trọng vào nỗ lực chung đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Bày tỏ sự đồng tình với Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi cho biết với thế mạnh về nông nghiệp và trồng cây ăn trái, Tiền Giang đã sớm tiến hành đăng ký các nhãn hiệu cộng đồng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với 29 sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế, bao gồm 2 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thế và 7 nhãn hiệu chứng nhận. Những nhãn hiệu cộng đồng này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng giá thành sản phẩm và từng bước nâng cao đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong số 29 nhãn hiệu cộng đồng đã được đăng ký bảo hộ, 8 nhãn hiệu không còn hiệu lực vì những lý do như vùng nguyên liệu không còn, Hợp tác xã bị giải thể, v.v. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều như: mô hình chủ sở hữu chưa phù hợp; vai trò của các tổ chức tập thể còn mờ nhạt; nhận thức của HTX, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; chưa có sự phối hợp, tham gia tích cực của các cấp, các ngành có liên quan; chưa xây dựng lộ trình phát triển phù hợp cho sản phẩm đặc sản; quản lý chất lượng sản phẩm còn bất cập; hoạt động thực thi và xử lý xâm phạm quyền còn hạn chế v.v. Phó Giám đốc Lê Quang Khôi cũng đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng nói trên, đồng thời chia sẻ với Hội thảo về quyết tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh tại Trung Quốc.
Ảnh 2 – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi trình bày tham luận tại Hội thảo
Tiếp đó, Hội thảo lần lượt được nghe đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương và Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, xúc tiến thương mại hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, cũng như những chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và quản trị tài sản trí tuệ của mình. Hoạt động xuất nhập khẩu nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung đang có những điểm sáng tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều những nỗi lo về các hạn chế liên quan đến các rào cản kỹ thuật, năng lực sản xuất và quản lý chất lượng, công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài khiến giá thành sản phẩm cao, thiếu tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu sản phẩm tương tự khác trên thế giới.
Nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề này, tại Hội thảo các luật sư sở hữu trí tuệ có kinh nghiệm chia sẻ thực trạng với những khó khăn, những vấn đề cần lưu ý và giải pháp dành cho doanh nghiệp xuất khẩu muốn đăng ký để bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại thị trường xuất khẩu tiềm năng. Trong đó, các quy định pháp luật cũng như yêu cầu đặc biệt về thủ tục đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở một số thị trường mà các địa phương quan tâm như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Châu Âu được các chuyên gia phân tích rất kỹ. Vấn đề đặc thù của hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng được các chuyên gia phân tích khá đầy đủ và toàn diện nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, miền Tây Nam Bộ, cũng như cho các chủ thể của các khu vực khác tham khảo. Để triển khai hiệu quả việc đăng ký và khai thác nhãn hiệu cộng đồng ở trong và ngoài nước, việc xây dựng và phát triển các tổ chức quản lý việc sử dụng nhãn hiệu cộng đồng rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều bất cập trong quy định và thực tiễn liên quan như hiện nay. Nội dung này đã được bàn thảo sôi nổi từ góc độ các nhà quản lý, các doanh nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia của Hội thảo để thấy được bản chất của vấn đề và gợi mở những giải pháp phù hợp.
Sau một ngày làm việc tích cực trên hội trường, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm trong thời gian tới. Sự hỗ trợ từ góc độ quản lý nhà nước rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, quản lý việc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý phải chủ động và khai thác quyền đối với tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả./.
Hình ảnh các diễn giả trình bày tại Hội thảo