Tin KHCN trong nước
Đánh giá tiềm năng thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần tiếp xúc với thực phẩm bằng sản phẩm giấy tại Việt Nam (25/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Đến nay, có khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Hậu quả của việc thải bỏ túi nilon và các sản phẩm nhựa chính là xói mòn đất đai, triệt tiêu sự sinh trưởng của các loại thực vật, tàn phá hệ sinh thái, gây tổn hại sức khỏe con người. Việc lạm dụng túi nilon trong cuộc sống thường nhật của người dân toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe con người, đến ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái... cản trở mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế và các nước đặt ra.

Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền cùng các cộng sự tại Viện công nghiệp giấy và xenluylô đã thực hiện đề tài: “Đánh giá tiềm năng thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần tiếp xúc với thực phẩm bằng sản phẩm giấy tại Việt Nam” từ năm 2019 đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể đề tài là đánh giá được thực trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tiếp xúc với thực phẩm và tiềm năng thay thế bằng sản phẩm giấy trên Thế giới và Việt Nam; và đề xuất các giải pháp và lộ trình thay thế các sản phẩm nhựa bằng sản phẩm giấy.

Qua quá trình thực hiện, kết quả chính đã đạt được bao gồm:

- Đã thống kê được chủng loại và tính chất được các sản phẩm nhựa dùng một lần, đánh giá được tác động của các sản phẩm nhựa trên đến kinh tế, xã hội, sức khỏe và môi trường trên Thế giới.

- Đánh giá được kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc giảm thiểu, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần;

- Đã thống kê được chủng loại và đặc trưng tính chất của các sản phẩm nhựa dùng một lần và đánh giá được tác động của các sản phẩm nhựa trên đến xã hội, sức khỏe và môi trường tại Việt Nam;

- Đã đánh giá tiềm năng thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm giấy, thống kê được các sản phẩm giấy có khả năng thay thế các sản phẩm nhựa.

- Đã đề xuất các giải pháp thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần tiếp xúc với thực phẩm bằng các sản phẩm giấy theo công cụ sản xuất và tiêu dùng bền vững của Ủy ban Châu Âu.

- Đã đề xuất lộ trình thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần tiếp xúc với thực phẩm bằng các sản phẩm giấy đến năm 2025.

Những kết quả của đề tài là cơ sở khoa học và thực tiễn để thực hiện các chỉ thị và chủ trương của Chính phủ đến năm 2025 giảm thiểu và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17911/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4526

Về trang trước Về đầu trang