Tin KHCN trong nước
Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” (07/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Những năm gần đây, sở hữu trí tuệ đã trở thành công cụ mang tính chiến lược để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao danh tiếng, chất lượng và giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội. Không nằm ngoài xu thế đó, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK triển khai nhiệm vụ: “Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”. Kết quả có được từ nhiệm vụ đã giúp nâng cao danh tiếng, chất lượng, vị thế sản phẩm hạt giống lúa nếp và gạo nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An trong quá trình hội nhập và phát triển.

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên

Khí hậu huyện Thủ Thừa mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đặc biệt là cây lúa. Cây lúa từ lâu được xác định là cây nông nghiệp chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và an ninh lương thực của quốc gia nói chung. Trong cơ cấu giống lúa gieo sạ hàng năm của tỉnh, lúa nếp có vị trí chủ lực với tỷ lệ khoảng 33,4%, tập trung chủ yếu ở huyện Thủ Thừa. Trong đó, 2 giống nếp IR 4625 và OM 84 chiếm phần lớn với diện tích 37.393 ha. Đây cũng là những giống lúa nếp chất lượng cao phù hợp với định hướng của địa phương là tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp cao cấp, phục vụ thị trường trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Cánh đồng lúa nếp ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An

Giống lúa nếp IR 4625 có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày ở vụ Đông - Xuân (năng suất 7-8 tấn/ha) và 100-110 ngày ở vụ Hè - Thu (năng suất 5-6 tấn/ha), có thể trồng 3 vụ trong năm, chất lượng cao, lúa cứng cây, chịu phèn, chống đổ ngã tốt phù hợp với vùng sinh thái của Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Giống lúa nếp sáp OM 84 là giống cao sản, có khả năng chịu mặn tốt. Hạt gạo nếp được sản xuất từ cả 2 giống có màu sắc hạt trắng đục đều, mùi thơm, rất dẻo, mềm, hạt cơm kết dính, hạt to, ít gãy vụn. Thực tiễn canh tác cho thấy vùng đất Thủ Thừa có đầy đủ các yếu tố về đất đai, nguồn nước, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc phù hợp sự phát triển, sinh trưởng của 2 giống lúa nếp nêu trên.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của địa phương

Nhận thấy tiềm năng, cũng như mong muốn khai thác tối đa lợi thế, giá trị kinh tế của sản phẩm lúa nếp, chính quyền địa phương đã hỗ trợ Tổ nhân giống lúa ấp 2 xã Mỹ Phú đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Nếp Thủ Thừa”. Tuy nhiên, nhãn hiệu tập thể sau khi được tạo lập đã bộc lộ điểm hạn chế là chỉ có các thành viên của Tổ nhân giống lúa ấp 2 xã Mỹ Phú mới được sử dụng nhãn hiệu này. Điều đó làm hạn chế quyền được tham gia sử dụng nhãn hiệu của những nhà sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn huyện Thủ Thừa, dù nhãn hiệu tập thể có chứa địa danh “Thủ Thừa” mang tính bao quát khu vực địa lý toàn huyện.

Trước bất cập đó, ngày 02/12/2020, Sở KH&CN tỉnh Long An đã ban hành Quyết định 240/QĐ-SKHCN phê duyệt nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”, sau đó tham mưu để UBND tỉnh Long An giao UBND huyện Thủ Thừa đứng tên đăng ký, quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” cho các sản phẩm hạt giống lúa nếp và gạo nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với mục tiêu nâng cao danh tiếng, chất lượng, giá trị sản phẩm nếp của huyện, đồng thời đưa thương hiệu “Nếp Thủ Thừa” trở thành tài sản chung của cộng đồng sản xuất, kinh doanh nếp của huyện Thủ Thừa.

Sau quá trình kiểm tra hồ sơ đăng ký và thẩm định các điều kiện bảo hộ, ngày 24/05/2022 Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 42910/QĐ-SHTT về việc cấp văn bằng số 423084, chính thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa”.

Mẫu nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa”

Khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” bao gồm các xã/thị trấn trên địa bàn huyện Thủ Thừa: Thị trấn Thủ Thừa và các xã: Long Thạnh, Tân Thành, Long Thuận, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Bình An, Nhị Thành, Mỹ An, Bình Thạnh, Mỹ Phú, Tân Long.

Bên cạnh văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp, hệ thống văn bản, biểu mẫu quản lý sử dụng và hệ thống nhận diện thương hiệu mang nhãn hiệu chứng nhận đã được xây dựng và được UBND huyện Thủ Thừa phê duyệt để triển khai sử dụng trên thực tế, tạo cơ sở để nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Thủ Thừa” sau khi được bảo hộ sẽ được sử dụng một cách đồng bộ và hiệu quả trên thực tế.

Ngoài ra, nhiệm vụ còn đề ra các giải pháp phát triển thị trường cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa trong thời gian tới như phát triển mô hình liên kết sản xuất dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội thay vì phương thức tự sản xuất, tự bán lẻ sản phẩm thô nhằm đảm bảo sự đồng đều về chất lượng sản phẩm nếp Thủ Thừa khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, việc tăng cường phân phối sản phẩm qua các kênh bán hàng online như sàn thương mại điện tử hoặc offline như tại các hội chợ, triển lãm cũng là giải pháp tối ưu nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm nếp Thủ Thừa đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trong bối cảnh các tiêu chí về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, việc thương hiệu “Nếp Thủ Thừa” được tạo lập quyền sở hữu trí tuệ đã tạo cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lợi dụng danh tiếng, sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả mạo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nếp Thủ Thừa trên thị trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống công cụ quản lý và quảng bá chất lượng sản phẩm “Nếp Thủ Thừa đã góp phần nâng cao danh tiếng, vị thế, giá trị thương phẩm sản phẩm hạt giống lúa nếp và gạo nếp của huyện Thủ Thừa trên thị trường, từ đó, góp phần ổn định niềm tin của người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mở ra cơ hội để sản phẩm nếp đặc sản của huyện Thủ Thừa đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước và vươn tầm thế giới.

Cao Văn Phụng1, Trần Minh Khánh2

1Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK

2Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An

 

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 3652

Về trang trước Về đầu trang