Tin KHCN trong nước
Chính thức công bố Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam (29/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 28/10, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức hội nghị "Công bố Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam".

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là một đối tượng đặc biệt, bởi đó là hình thức sở hữu trí tuệ tập thể của cộng đồng những người dân địa phương tại khu vực địa lý, gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa và phương thức sản xuất độc đáo trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong những năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp đã thúc đẩy hiệu quả việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý một cách toàn diện từ khía cạnh tư vấn hoạch định chính sách, đến việc thực thi nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các chủ thể trong việc xác lập quyền, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã bảo hộ 120 chỉ dẫn địa lý, bao gồm 108 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 12 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài (không tính đến các chỉ dẫn địa lý của nước ngoài được bảo hộ theo các điều ước quốc tế).

Trong đó, một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở nước ngoài nổi bật như: Chỉ dẫn địa lý "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở EU, chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" cho sản phẩm quả thanh long được bảo hộ Nhật Bản, chỉ dẫn địa lý "Lục Ngạn" cho sản phẩm quả vải thiều được bảo hộ ở Nhật Bản… Tuy nhiên, việc thiếu dấu hiệu nhận biết chung cho các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở Việt Nam dẫn đến một số khó khăn trong quá trình quản lý chỉ dẫn địa lý. 

Mẫu Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia đã chính thức được Bộ KH&CN phê duyệt và ban hành - Ảnh: VGP

Do đó, dự án "Thiết kế Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia" được phê duyệt theo Quyết định số 1370/QĐ-BKHCN ngày 22/5/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&CN ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết phải có một dấu hiệu nhận biết chung cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, hình thành một công cụ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoàn thiện quy trình quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu chỉ dẫn địa lý đối với người tiêu dùng gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Với sự hỗ trợ của KIPO thông qua Hiệp hội Xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA), đến nay, dự án đã lựa chọn được mẫu Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia cho Việt Nam và đã chính thức được Bộ KH&CN phê duyệt và ban hành.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong thời gian qua, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Việc xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia – công cụ để quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, khiến họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, giúp các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Yoon Seiyoung, Trưởng Văn phòng Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác quốc tế, Phòng Thương mại hợp tác (KIPO) cho rằng, sở hữu trí tuệ đang là một trong những phương tiện chính để phục hồi lại sự phát triển kinh tế đã bị gián đoạn bởi COVID-19 trong thời gian vừa qua. Hàn Quốc thông qua việc bảo hộ các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Yoon Seiyoung, Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam sẽ giúp cho người tiêu dùng biết được tính xuất sắc của một sản phẩm mang đặc tính, bản sắc của một khu vực cụ thể, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc, để biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia có thể phát huy được hết vai trò như một công cụ để quản lý và kiểm soát, một công cụ để quảng bá… cần có các chính sách cụ thể quy định về việc sử dụng biểu trưng này.

Đó là phải xây dựng được quy chế quản lý sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia; đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tại Việt Nam; xác định tổ chức đủ năng lực kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm; cấp quyền sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia cho một số chủ thể; đồng thời truyền thông tăng cường khả năng nhận biết biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tại thị trường trong nước.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4157

Về trang trước Về đầu trang