Tin KHCN trong nước
Thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh (02/11/2022)
-   +   A-   A+   In  
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cần tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh…

Ngày 1/11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

 Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam". Ảnh: TL

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Phát triển thị trường KH&CN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Bộ trưởng đặt vấn đề: Để doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, KHCN và đổi mới sáng tạo phải làm gì và đáp ứng các yêu cầu như thế nào? Nhà nước cần điều chỉnh và ban hành các chính sách vĩ mô liên quan nào trong thời gian tới?

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng nhấn mạnh để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập cần phải thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng thời, phát triển thị trường KH&CN phải lấy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm.

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, thời gian qua, thị trường KH&CN nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như nguồn cung hàng hoá đã tăng đáng kể, tốc độ tăng giá trị giao dịch bình quân hằng năm đạt 22%. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, thị trường KH CN còn trầm lắng, vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc. Hầu hết các viện, trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của đơn vị.

Doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho KH&CN.

Về hợp tác viện, trường và doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực và tư vấn chuyển giao công nghệ. Thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin–off) tại các trường đại học, viện nghiên cứu chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Việc chưa có hướng dẫn chi tiết, hợp lý sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là điểm nghẽn lớn trong việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN nói chung và hoạt động thương mại hoá công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cần tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng: Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hoá được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn.

Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách Nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ (không hoàn lại) cho tổ chức/cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Từ góc độ viện – trường, PGS.TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đề xuất cơ chế thí điểm cho ĐHQGHN. PGS.TS Vũ Văn Tích mong muốn ĐHQGHN được thí điểm cơ chế đầu tư tài chính KH&CN theo 4 bước từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa hướng tới tự chủ hoạt động KH&CN của một số đơn vị thuộc ĐHQGHN; hình thành doanh nghiệp khởi nguồn; phát triển mô hình thí điểm về tổ chức trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mô hình tổ chức hoạt động KH&CN và hoạt động đào tạo phát triển nhân lực KH&CN chất lượng cao trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp…

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị xem xét điều chỉnh các quy định về quản lý tài sản công liên quan đến thương mại hóa tài sản trí tuệ để các viện nghiên cứu, trường đại học có thể dễ dàng định giá tài sản trí tuệ, phục vụ cho thương mại hóa; sửa các quy định về quản lý tài sản công để có mức hỗ trợ hợp lý cho các đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ công hình thành trong quá trình nghiên cứu nhằm khuyến khích đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào nền kinh tế; đồng thời xem xét điều kiện để tác giả các nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp khoa học công nghệ…/.

Nguồn: dangcongsan.vn

Số lượt đọc: 4410

Về trang trước Về đầu trang