Tin KHCN nước ngoài
Phát minh dập lửa bằng âm thanh của sinh viên Việt Nam (31/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Dập lửa bằng âm thanh trầm là một phát minh mới của hai sinh viên đến từ đại học George Mason, bang Virginia (Mỹ); đặc biệt trong đó có một sinh viên là người Việt.

Sinh viên Trần Việt và người bạn học của mình Seth Robertson đã chế tạo ra bình chữa cháy có thể dập lửa bằng âm thanh trầm. Âm thanh có sức mạnh rất lớn, các sóng âm lan truyền trong không gian có thể tạo áp lực lớn đến mức phá vỡ cả cửa kính, hay có thể sử dụng để dập các đám cháy bằng hoá chất hoặc dầu, đây đều là những đám cháy mà không thể đập tắt bằng nước.

 

Trước đó, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thí nghiệm sử dụng sóng âm để dập lửa tuy nhiên việc đưa ý tưởng này từ phòng thí nghiệm áp dụng trên thực tế vẫn còn khá xa. Đến nay, tính hiệu quả của âm thanh trong việc kiểm soát lửa đã được chứng minh thông qua phát minh của hai sinh viên chuyên ngành kỹ thuật và máy tính.

 

Loại bình cứu hỏa mới của Trần Việt và Seth Robertson có hình dáng giống như các loại bình khác, nhưng thay vì sử dụng bình khí nén chưa những loại hóa chất dập lửa, bình này có một loa chuyên phát ra âm thanh trầm. Khi mới bắt đầu, Việt và Robertson đã sử dụng âm thanh tần số cao nhưng phương pháp dập lửa này tỏ ra không hiệu quả.

 

Trần Việt cho biết nghiên cứu của các anh bắt nguồn từ cơ sở sóng âm thanh tần số thấp, trong khoảng 30-60 hertz giống như tiến bass trong nhạc hip-hop, có thể ngăn oxy tiếp xúc với nhiên liệu cháy. Âm trầm của loa tạo ra những xung với tần số thấp sẽ làm thay đổi áp suất khiến cho không khí ở dưới ngọn lửa đẩy ngọn lửa lên cao, tách khỏi chất bắt lửa và ngọn lửa sẽ tắt.

 

Trong cuộc sống, phương pháp dập lửa có rất nhiều. Người ta có thể dùng nước, bột và các loại hóa chất khác. Nhưng sau khi dập lửa, nước hoặc các chất hóa học sẽ lưu lại nơi lửa vừa tắt và rất tốn thời gian dọn dẹp.

 

Sử dụng sóng âm để dập lửa sẽ sạch hơn nhiều. Trần Việt tin rằng loại bình cứu hỏa này có thể được lắp đặt phía trên bếp để dập tắt những ngọn lửa do nấu nướng. Phi hành gia vũ trụ cũng có thể sử dụng bình cứu hỏa mới này. “Ngoài vũ trụ, chất dập lửa sẽ lan ra nhiều hướng, nhưng sóng âm thì sẽ hướng về một phía mà không bị ảnh hưởng bởi trọng lực”, Robertson nói.

 

Robertson và Tran đã phát triển bình cứu hỏa mới cho một cuộc kiểm tra cuối kỳ. Ý tưởng này khiến nhiều sinh viên cùng lớp phải e ngại và ai cũng tin rằng họ sẽ nhận điểm xấu, còn nhiều giáo sư tỏ ra không muốn hỗ trợ.

 

May thay, giáo sư Brian Mark của trường đã đồng ý giúp đỡ, mặc dù ban đầu ông tin rằng dự án này sẽ thất bại. “Rất nhiều sinh viên đã chọn con đường dễ dàng, tuy nhiên Việt và Seth đã lựa chọn con đường có rủi ro lớn”. Sau thành công ban đầu này, Trần Việt, 28 tuổi và Robertson, 23 tuổi đã được đăng ký bằng sáng chế vào cuối tháng 11-2014, mở ra cơ hội nghiên cứu một năm đối với các hóa chất dễ cháy khác.

Nguồn: news.vn

Số lượt đọc: 6775

Về trang trước Về đầu trang