Tin KHCN trong nước
Đánh giá độ không đảm bảo đo bằng phương pháp Monte Carlo trong các phép đo bức xạ hạt nhân (21/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Để khắc phục sự thiếu nhất quán trong các phép đánh giá độ không đảm bảo đo, các tổ chức quốc tế đã phối hợp soạn thảo tài liệu hướng dẫn để giúp cho việc đánh giá độ không đảm bảo đo được thống nhất và khoa học. Theo đó, bản hướng dẫn đánh giá độ không đảm bảo đo “Guide to Expression of Uncertainty in Measurement” ra đời và thường được biết tới với tên gọi là GUM.

Tuy nhiên, phương pháp mô tả trong GUM không thể giúp đánh giá độ không đảm bảo đo cho tất cả các trường hợp. Chính vì vậy, phương pháp Monte Carlo được đề xuất để đánh giá độ không đảm bảo đo. Phương pháp này được chính thức công bố vào năm 2008 Tuy nhiên, phương pháp GUM vẫn được coi là phương pháp chính. Phương pháp Monte Carlo có thể coi là phương pháp để kiểm tra sự đúng đắn của phương pháp GUM và bổ trợ cho GUM.

Trung tâm an toàn bức xạ thuộc Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân hiện đang áp dụng đánh giá độ không đảm bảo đo theo các hướng dẫn của IAEA và GUM. Tuy nhiên, các phép tính được thực hiện không tự động bằng cách sử dụng các file excel dẫn tới mất nhiều thời gian xử lý số liệu, thường sai sót trong khi nhập dữ liệu và trong nhiều trường hợp không chính xác do sử dụng phương pháp xấp xỉ và các giả thiết lí tưởng. Để hạn chế điều này, một chương trình phần mềm máy tính đánh giá độ không đảm bảo đo là cần thiết. Đó là lí do năm 2019, nhóm nghiên cứu của ThS. Bùi Đức Kỳ thực hiện lựa chọn đề tài “Đánh giá độ không đảm bảo đo bằng phương pháp Monte Carlo trong các phép đo bức xạ hạt nhân”.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: xây dựng được phần mềm truyền sai số theo phương pháp Monte Carlo và áp dụng phần mềm đánh giá độ không đảm bảo đo cho các phép đo bức xạ hạt nhân.

Trong nghiên cứu này, độ không đảm bảo đo của một số phép đo bức xạ hạt nhân đã được thực hiện bằng cả hai phương pháp là phương pháp GUM và phương pháp số Monte Carlo dựa trên chương trình phần mềm máy tính INST-MC được phát triển bởi nhóm thực hiện nhiệm vụ. Các đánh giá cho thấy về mặt giá trị số học, sai lệch giữa hai phương pháp là không nhiều do các mô hình tính toán của các đại lượng kiểm tra khá là tuyến tính. Tuy nhiên, phương pháp Monte Carlo cho thấy được hàm phân bố mật độ xác suất của đại lượng đầu ra trong khi phương pháp GUM không có. Trong thời gian tới các mô hình không tuyến tính sẽ được kiểm tra để thấy được sự khác biệt giữa hai phương pháp.

Bên cạnh đó các kết quả của phần mềm INST-MC cũng được kiểm tra, so sánh với phần mềm đánh giá độ không đảm bảo đo NIST uncertainty machine của Viện công nghệ và tiêu chuẩn (NIST) - Hoa Kỳ. Các kết quả cho thấy độ lệch các kết quả đánh giá được giữa hai phần mềm là không đáng kể.

Đây mới chỉ là phiên bản đầu tiên của chương trình phần mềm đánh giá độ không đảm bảo đo INST-MC. Nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục cải tiến phần mềm để giúp việc đánh giá chính xác và thuận tiện hơn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17642/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 938

Về trang trước Về đầu trang