Chuyển đổi số
Thúc đẩy hoàn thiện chuyển đổi số - Kỳ 1: Chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực (09/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nhằm xây dựng hình ảnh bộ máy công quyền thân thiện, văn minh, hiện đại, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh CĐS ở hầu hết các lĩnh vực.

Phòng họp không giấy

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Vũng Tàu lần thứ 22 vừa được tổ chức ngày 30/9 với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu nhưng không hề có một tài liệu giấy nào được phát ra. 

Trước đây, để tổ chức một hội nghị quy mô như vậy, Văn phòng Thành ủy phải photo hàng trăm bộ tài liệu phát cho đại biểu, vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí và có thể bị nhầm lẫn văn bản trong quá trình sắp xếp tài liệu. Hiện nay, Văn phòng Thành ủy chỉ cần gửi cho đại biểu mã QR-Code. Đại biểu sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng… để quét mã và nhận thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cuộc họp.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, TP.Vũng Tàu bắt đầu triển khai mô hình “phòng họp không giấy” từ tháng 3/2022. Đây là một nội dung của CĐS mà TP.Vũng Tàu đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Qua đó tạo thói quen sử dụng công cụ điện tử thông minh bổ trợ cho công tác cải cách hành chính (CCHC).

Theo ông Thuấn, để thực hiện CĐS, xây dựng đô thị thông minh thì chính quyền phải đi trước một bước. Ngoài “phòng họp không giấy”, TP.Vũng Tàu còn triển khai nhiều giải pháp khác nhằm đưa ứng dụng đến gần hơn với người dân, giúp người dân, DN dễ dàng tiếp cận với chính quyền như: họp trực tuyến giữa UBND thành phố với UBND 17 phường, xã qua ứng dụng jabber; cung cấp dịch vụ triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt.

Tính đến nay, tỷ lệ người dân thành phố thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước và viễn thông đạt hơn 50%; 17/17 UBND phường, xã đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo CĐS và ban hành kế hoạch thực hiện; 100% văn bản hành chính thông thường (trừ văn bản mật) của các phòng, ban chuyên môn được gửi - nhận trên môi trường điện tử và được ký số.

Mới đây, TX.Phú Mỹ và huyện Xuyên Mộc đã ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS với VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu. 6 nội dung cơ bản về CĐS được các địa phương cam kết thực hiện như: Cung cấp các giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ CCHC, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; hợp tác trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng viễn thông và ứng dụng CNTT trong phát triển đô thị thông minh; hợp tác hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực viễn thông và công nghệ thông tin; hợp tác xây dựng nông nghiệp thông minh và các hợp tác khác. 

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho biết, thị xã phối hợp với VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo cụm, theo điểm, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với đặc thù của ngành và của riêng địa bàn. Đồng thời bám sát chương trình, kế hoạch CĐS của thị xã để đạt hiệu quả cao nhất.

 Tài liệu của cuộc họp được TP. Vũng Tàu mã hóa qua mã QR-code.
Tài liệu của cuộc họp được TP. Vũng Tàu mã hóa qua mã QR-code.

3 giá trị lớn

CĐS không chỉ dừng ở cấp tỉnh, cấp huyện, thị, thành phố… Để phát huy hết vai trò, giá trị của CĐS thì việc này phải thực hiện toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. 

Từ cuối tháng 8/2022, UBND xã Bình Ba (huyện Châu Đức) phối hợp với các chi nhánh ngân hàng tổ chức chương trình gặp gỡ, hướng dẫn triển khai mô hình CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân và DN trên địa bàn. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Ba, địa phương quyết tâm CĐS để nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền cùng với hỗ trợ người dân, DN tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích thuận lợi, tăng cường tương tác giữa người dân, DN với chính quyền. Mục tiêu của xã là đến cuối năm 2022, 100% cán bộ, công chức thuộc UBND xã Bình Ba dùng ví điện tử trong thanh toán; 50% người dân có sử dụng thanh toán qua Internet banking, SMS banking, mobile banking, hóa đơn online, ví điện tử.

Ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT nhận định, CĐS là định hướng quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Năm 2021 và 2022 có thể coi là 2 năm bứt phá mạnh mẽ, chuyển từ thủ công, truyền thống sang số hóa một cách rõ rệt, toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành và các lĩnh vực. 

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai kết nối thành công chữ ký số công cộng với Cổng dịch vụ công của tỉnh; đã thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI… Đến nay, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; toàn bộ các cơ quan, đơn vị nhà nước ở tỉnh đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy.

3 tháng cuối năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ lên mức 80%; nâng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến từ mức 18% lên mức 50%. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh hiện đạt 92,77%, phấn đấu đến tháng 12/2022 đạt gần 95%.

“Có thể khẳng định, CĐS xây dựng đô thị thông minh đã mang lại 3 giá trị lớn: Người dân làm trung tâm của đối tượng thụ hưởng, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; chính quyền điều hành và quản trị xã hội thông minh hơn, hiệu quả hơn; năng lực quản lý nhà nước, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được nâng cao”, ông Chiến nhấn mạnh.

Một trong những thành công lớn nhất trong tiến trình CĐS mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm được là tháng 4/2021, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) đã đi vào hoạt động kết nối thông tin của 14 sở, ngành, địa phương. Từ đó giúp các cấp lãnh đạo giám sát, quản lý, điều hành một cách toàn diện, nhanh chóng và chính xác từ giám sát hành chính công; giám sát an toàn thông tin; giám sát mạng xã hội; lĩnh vực y tế; giáo dục; du lịch; tài nguyên và môi trường; hệ thống điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội; hệ thống phản ánh kiến nghị; nắm thông tin qua camera giám sát…

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 849

Về trang trước Về đầu trang