Chuyển đổi số
Chuyển đổi số - công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc (10/10/2022)
-   +   A-   A+   In  
Chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài.

Sự cần thiết của chuyển đổi số

Theo   PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), với tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chỉ trong mấy thập kỷ qua, thế giới đã liên tục trải qua những đổi thay mang tính cách mạng, tác động nhanh chóng và sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Vào thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, mọi người ao ước về sự ra đời của máy tính cá nhân và sự hiện diện của nó ở mỗi gia đình, trên bàn làm việc. Điều ước này đã nhanh chóng trở thành hiện thực với sự ra đời của Microsoft - một biểu tượng của cuộc cách mạng thông tin thời bấy giờ. Vào thập kỷ 80, 90, mọi người mong ước được liên lạc với nhau, tiếp cận các tri thức của nhân loại ở mọi nơi, mọi lúc. Sự ra đời của Internet và Google đã biến mong ước này trở thành hiện thực.

Bước vào những năm 1990-2000, mọi người ước muốn có cộng đồng riêng để chia sẻ thông tin, kiến thức và nguồn lực. Điều ước này cũng đã trở thành hiện thực nhờ sự ra đời của các công ty mang tính biểu tượng như Facebook, Uber và AirB&B. Ngày nay, chúng ta đang nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một xã hội thông minh, trong đó những tiến bộ về công nghệ sẽ đem lại lợi ích to lớn, toàn diện và sâu sắc thông qua công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở mọi cấp độ/lĩnh vực. Ba lợi ích lớn nhất mà công cuộc chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ mang lại là: năng suất lao động, chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Một vấn đề lớn đặt ra là chúng ta thường chưa sẵn sàng đón nhận những đổi thay do bị áp đặt bởi tư duy và thói quen cũ. Các nghiên cứu lịch sử cho thấy sự thiếu sẵn sàng của một xã hội khi đứng trước những thay đổi vượt bậc về công nghệ. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ XX, nhiều thành phố lớn như London, New York vẫn làm quy hoạch dài hạn dựa trên giả định về nhịp độ tăng nhanh của xe ngựa và nhu cầu ngựa kéo.

Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, xe hơi sẽ không thể trở nên phổ biến vì tốc độ của nó quá nhanh, gây nguy hiểm, khó được xã hội chấp nhận. Một số khác thì đưa ra lý do là rất khó tuyển dụng được lái xe vì nghề này đòi hỏi kỹ năng và phẩm chất đặc biệt. Chính vì vậy, cần nắm bắt xu thế toàn cầu, nâng tầm tư duy chiến lược để khắc phục cách tư duy này, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài. 

Cũng theo chuyên gia, chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc CMCN 4.0, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với các quốc gia, doanh nghiệp không quan tâm đến nó.

Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà nó phải được hiểu là nút đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số làm chuyển đổi, cải biến toàn diện mô hình, quy trình, sản phẩm/kết quả đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh trong xã hội (cơ quan nhà nước cũng được coi là tổ chức cung cấp sản phẩm - dịch vụ công).

Trên quy mô quốc gia, chuyển đổi số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% vào năm 2021. Chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15% năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi từ năm 2021 trở đi.

Dưới góc độ doanh nghiệp, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi so với doanh nghiệp cùng ngành, giảm sức cạnh tranh và không thể đuổi kịp đối thủ. Doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều không thể nói “không” với chuyển đổi số. Trong quá trình chuyển đổi số, dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, vì dữ liệu là tiền đề của quá trình phân tích số liệu. Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp cần hiểu rõ về chuyển đổi số.

 Ảnh minh hoạ

Hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ

Tại Việt Nam, những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nhiều thành phố cũng đang có ý định xây dựng thành phố thông minh với các nền tảng công nghệ mới... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò   chuyển đổi số   trong cuộc CMCN 4.0.

Mới đây, Cisco (một công ty mạng toàn cầu) đã công bố báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương", thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực nói chung và 50 doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa, kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)... Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

Đánh giá về thực trạng của CĐS không thể không nhắc đến quá trình số hóa và công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) - là những nền tảng quan trọng của CĐS. Theo báo cáo Thực trạng chuyển đổi kinh doanh số năm 2018 của Tập đoàn IDG (Mỹ), ở Việt Nam hiện có 55% số doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp truyền thống là 38%. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34%. Lợi ích nhìn thấy rõ của việc số hóa là: không cần phải dành ra một khoảng không để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu…, tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng; tiết kiệm thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, tìm kiếm cũng đơn giản hơn; việc số hoá dữ liệu kết hợp với những công cụ bảo mật tốt có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ; dễ kiểm soát, lên kế hoạch…

Lợi ích của việc số hoá dữ liệu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai và hoàn thiện được hoạt động này. Nguyên nhân có thể đến từ chính nội bộ đơn vị: thứ nhất, việc số hoá có thể gây ra sự xáo đổi lớn về nhân sự trong đơn vị, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt; thứ hai, dù khoản đầu tư số hoá dữ liệu nhiều hay ít phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển, trình độ công nghệ sẵn có cũng như nhu cầu thực tế, nhưng nó vẫn là một gánh nặng, đặc biệt nếu đầu tư ngay một hệ thống đầy đủ và hiện đại có thể khiến chi phí đội lên khá cao.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp ICT phát triển mạnh mẽ. Công nghiệp ICT Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng với doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 20-30%. Năm 2018, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 98,9 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Trong 10 năm qua, quy mô ngành ICT đã tăng lên 16 lần, là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của cả nước.

Các doanh nghiệp lớn trong nước đã và đang chuyển hướng sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đi đầu là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, FPT, CMC... Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp số, trong đó có một số thành công. Cụ thể như Topica Founder Institute đã tạo ra hơn 60 công ty khởi nghiệp, huy động hơn 20 triệu USD từ các quỹ và có tổng định giá hơn 100 triệu USD; Startup gọi xe tải Logivan đã thành công trong việc gọi thêm vốn đầu tư 5,5 triệu USD trong năm 2019...

Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu công nghiệp ICT hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp FDI (đóng góp tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu), trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng đem lại không cao. Môi trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp số còn chưa hấp dẫn, hiện nay xu hướng những người trẻ khởi nghiệp sang các quốc gia khác như Singapore để đăng ký thành lập công ty đang ngày càng tăng.

ICT cũng được ứng dụng rộng rãi trong các loại hình doanh nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0, chưa chủ động tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng với xu thế công nghệ.

Trong phát triển xã hội, ICT đã được ứng dụng khá rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên cũng tồn tại một số bất cập như: bất bình đẳng về cơ hội giáo dục cũng như tiếp cận các dịch vụ sức khỏe vẫn có xu hướng gia tăng; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, đồng bộ; tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân còn khó khăn…

Đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, ICT đã được ứng dụng trong cơ quan nhà nước để phát triển chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính. Tuy nhiên, số hồ sơ được xử lý trực tuyến (mức 3, 4) còn thấp; việc xử lý điều hành qua mạng còn hạn chế; các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; việc ứng dụng những công nghệ số tiên tiến trong các cơ quan nhà nước để thay đổi mô hình, cách thức làm việc chưa được nhiều.

Tóm lại, tại Việt Nam, việc ứng dụng và phát triển ICT đã được quan tâm và trải đều trên các lĩnh vực cần chuyển đổi. Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng và phát triển ICT ở đây chưa thực sự là chuyển đổi số, tức là chưa tạo được chuyển đổi đột phá về mô hình, quy trình sản xuất, sản phẩm dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 969

Về trang trước Về đầu trang