Chuyển đổi số
Đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng thị trường (29/09/2022)
-   +   A-   A+   In  

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với tỉnh về kết quả thực hiện “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2022, diễn ra sáng 29/9. 

Lan tỏa sâu rộng

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng quan tâm đến xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Các sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã hợp thị hiếu, giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu nhân dân, góp phần khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“Việc thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 82 chợ; 5 trung tâm thương mại hạng III, 10 siêu thị và 142 chuỗi cửa hàng bán lẻ… Xây dựng được 6 điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các địa phương trong tỉnh”, ông Trương Văn Thôi thông tin thêm.

Theo Đề án xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu đối với các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh, danh mục 15 sản phẩm, hàng hóa xây dựng thương hiệu, gồm: 12 sản phẩm nhãn hiệu tập thể là: thanh long Bông Trang, bưởi da xanh Sông Xoài, quýt đường Xuyên Mộc, chả cá Phước Hải, bánh hỏi An Nhứt, mắm ruốc Bà Rịa - Vũng Tàu, bánh canh Long Hương, bánh tét bắp Đất Đỏ, mắm bằm Hòa Long, rượu Hòa Long, cá chỉ vàng Vũng Tàu, sò ốc mỹ nghệ Vũng Tàu. 2 sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận là cá thu một nắng Côn Đảo, mực một nắng Côn Đảo. 1 chỉ dẫn địa lý là muối Bà Rịa.
Có 29 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 16 chủ thể OCOP tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể: có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có 214 sản phẩm cấp huyện, 112 sản phẩm cấp tỉnh, 39 sản phẩm cấp khu vực và 9 sản phẩm cấp quốc gia.

Triển khai các biện pháp phát triển hàng Việt

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã thông tin thêm về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để hàng hóa của tỉnh tiếp tục tìm được các thị trường mới, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Ngoại giao làm đầu mối kết nối, thông tin về nhu cầu hàng hóa của thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hơn nữa, nhất là hàng hóa không rõ nguồn gốc len lỏi nhập vào thị trường Việt Nam; cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại trên thị trường ngoài nước; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, tận dụng các cam kết ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi, trong đó có các hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai bài bản, sâu rộng, đạt kết quả tích cực và đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Trung ương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền đã góp phần thay đổi và tạo thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Phạm Quang Hiệu lưu ý, xác định thị trường nội địa là cái nền, cái phao cứu sinh trong chuỗi cung ứng, vì vậy, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; vận động mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của tỉnh cùng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các thương hiệu sản phẩm để kết nối với thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. “Trong các giải pháp thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; mở rộng thị trường trong nước cũng như ưu tiên phát triển hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài, nhất là đối với kiều bào ở nước ngoài…”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 701

Về trang trước Về đầu trang