Tin KHCN trong nước
Tọa đàm trao đổi về quản lý công nghệ, hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng (26/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Chiều 23/3, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Nai, Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Vụ đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ tổ chức Tọa đàm “Trao đổi về quản lý công nghệ; hoạt động của các Trung tâm ứng dụng, Trung tâm nghiên cứu của các tỉnh trong Vùng, các vấn đề đặt ra”.

Tham dự Tọa đàm có ông Vu Đức Tuấn - Phó trưởng ban công tác phía Nam Bộ KH&CN, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám sát công nghệ, lãnh đạo các Sở KH&CN, các Trung tâm Ứng dụng, Trung tâm Nghiên cứu, các nhà khoa học trong vùng Đông Nam Bộ.

Mục tiêu của tọa đàm là nhằm trao đổi những vấn đề còn khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong hoạt động chuyển giao công nghệ, thẩm định công nghệ, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu của các Trung tâm Ứng dụng, Trung tâm Nghiên cứu và các tổ chức khoa học công nghệ công lập các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ đã báo cáo về tình hình hoạt động KH&CN của các Trung tâm trong vùng Đông Nam Bộ. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115 với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập cả nước đã có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%) trong đó có 380 tổ chức thuộc bộ, ngành và 108 tổ chức thuộc các địa phương còn lại 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trong thời gian trình hồ sơ chờ thẩm định phê duyệt. Thực hiện cơ chế tự chủ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chủ quản đối với nhiệm vụ, là giải pháp có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập. Hiện nay, Khu vực Đông Nam Bộ gồm 7 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận. Các Trung tâm của các tỉnh có hai hoạt động chính là thực hiện đề tài, dự án và hoạt động dịch vụ. Nguồn thu hàng năm của các Trung tâm chủ yếu từ kinh phí sự nghiệp KH&CN như tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm định, hiệu chuẩn… Ngoài ra còn có các nguồn thu không thường xuyên trong từng năm như kinh phí được phê duyệt để thực hiện theo Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 7/2/2013. Hiện đã có 05 Trung tâm được phê duyệt chuyển đổi theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, đó là các Trung tâm của các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận; 02 trung tâm chưa chuyển đổi là Bình Dương và Bình Phước. Cả 07 Trung tâm trong vùng đều đang xây dựng dự án đầu tư trang thiết bị, nâng cao tiềm lực theo Quyết định 317/QĐ-TTg, gồm các nội dung: đầu tư trại thực nghiệm, đầu tư sửa chữa nâng cấp trụ sở làm việc, xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật, xây dựng phòng thí nghiệm chế tạo robot. Tổng số có 09 dự án được xây dựng, trong đó có 03 dự án đang chờ phê duyệt, 06 dự án đã được phê duyệt…

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và Giám sát công nghệ giới thiệu một số vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, thẩm định công nghệ. Buổi tọa đàm đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp cho hoạt động nghiên cứu, liên kết phối hợp để khoa học công nghệ thực sự là động lực cho phát triển nhanh và bền vững  

Kết luận tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, những vướng mắc, khó khăn của các địa phương sẽ được Cục ghi nhận và đề xuất, kiến nghị với Bộ KH&CN để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp. Đây là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với các Trung tâm Ứng dụng và Trung tâm Nghiên cứu KH&CN trong vùng Đông Nam Bộ.

Nguồn: Huyền Trang

Số lượt đọc: 11068

Về trang trước Về đầu trang