Thông tin chính sách mới
Chính sách mới của Trung ương phát sinh hiệu lực trong tháng 9/2022 (05/09/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nhiều chính sách mới phát sinh hiệu lực trong tháng 9/2022 như: thí điểm đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam; cản trở hoạt động tố tụng bị phạt tiền đến 80 triệu đồng; gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin; 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng; làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp;....

Thí điểm đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam

Nghị quyết 54/2022/QH15 Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, quy định việc thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam.

Trong đó, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù…

Nghị quyết 54/2022/QH15 cũng quy định một số trường hợp không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam.

Cản trở hoạt động tố tụng bị phạt tiền đến 80 triệu đồng

Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực từ ngày 1/9/2022. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân là 40 triệu đồng, của tổ chức là 80 triệu đồng.

Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, Pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.

Việc ghi âm, ghi hình của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, thì bị phạt tiền từ 7-15 triệu đồng.

Tiếp tục chi trả hỗ trợ Covid-19 đến ngày 10/9/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của ủy ban thường vụ quốc hội. Theo quy định sẽ sử dụng khoảng 1.155 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.

Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.

Hạn cuối nộp gia hạn tiền nộp thuế và thuế đất

Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Tgeo đó, tổ chức, cá nhân được gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 phải trực tiếp kê khai, gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo mẫu quy định cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông phương thức điện tử; gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc quý) thì hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2022. Còn  nếu gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 30/9/2022, người nộp thuế sẽ không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Từ 1/9/2022, gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin

Từ 1/9/2022, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành.

Trong đó, bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. 

6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng

Có hiệu lực từ ngày 12/9/2022, Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.

Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể với 6 trường hợp.

Quy định mới về chế độ trợ cấp đối với người có công

Có hiệu lực từ ngày 5/9/2022, Thông tư 44/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Thông tư nêu rõ, 2 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng gồm: Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, thực hiện trợ cấp hàng tháng và trợ cấp 1 lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg;...

Hướng dẫn quy trình công nhận, thực hiện chế độ ưu đãi người có công

Thông tư số 55/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2022.

Thông tư này hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thông tư hướng dẫn cụ thể về 24 quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng với 23 đối tượng, trường hợp khác nhau.

Từ 1/9, làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp

Theo Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1/9/2022, các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

8 vị trí công tác lĩnh vực Đầu tư phải định kỳ chuyển đổi

Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư ở địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 30/09/2022.

Thông tư này áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư.

Danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi gồm: 1- Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; 2- Thẩm định dự án; 3- Đấu thầu và quản lý đấu thầu; 4- Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; 5- Quản lý quy hoạch; 6- Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế; 7- Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; 8- Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định nêu trên là từ đủ 03 năm đến 05 năm.

Thu phí sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư

Thông tư 48/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) có hiệu lực từ 17/9/2022.

Thông tư 48/2022/TT-BTC nêu rõ, người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư và được cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư có thẩm quyền cung cấp thông tin trong CSDLQG về dân cư theo quy định pháp luật.

Thông tư quy định mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin như sau:

- Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01): 1.000 đồng/trường thông tin

- Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02): 1.000 đồng/trường thông tin

- Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03): 1.000 đồng/trường thông tin

- Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04): 1.000 đồng/trường thông tin

- Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05): 1.000 đồng/trường thông tin

Kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, áp dụng mức thu bằng 50% mức phí quy định nêu trên. Kể từ ngày 01/01/2024 trở đi, áp dụng mức thu theo mức phí quy định như nêu trên.

Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT

Có hiệu lực từ ngày 10/9/2022,  Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 11 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 12.

Chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp; các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.

Cụ thể, các môn học bắt buộc gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung giáo dục địa phương.

Thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.

Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2022.

Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng như: Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ; Bảng quy đổi kết quả thi với Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) được cơ quan quy định công nhận;...

Người lao động vận hành công trình khí làm việc tối đa 12 giờ/ngày

Thông tư 12/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí có hiệu lực từ ngày 9/9/2022.

Theo Thông tư quy định, người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc. Cụ thể, ca làm việc không quá 12 giờ trong 1 ngày; phiên làm việc tối đa là 7 ngày.

Bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm.

Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Có hiệu lực từ 1/9/2022, Thông tư 42/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo đó, tăng mức chi soạn thảo văn bản đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch, nghị định của Chính phủ: quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư;..

 

Nguồn: baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 807

Về trang trước Về đầu trang