Tin KHCN trong nước
Xây dựng quy trình chiết xuất, bào chế và thử nghiệm sản xuất cao Mướp đắng và viên nang chứa cao khô giàu hoạt chất saponin hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường (23/08/2022)
-   +   A-   A+   In  
Bệnh Đái tháo đường là một hội chứng với rối loạn chuyển hóa và tăng đường huyết không thích hợp hoặc là do giảm bài tiết insulin, hoặc là do cơ thể vừa kháng với insulin vừa bài tiết insulin, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ban hành của Bộ Y tế trong năm 2017 về việc chẩn đoán và điều trị bệnh Đái tháo đường typ 2, số liệu cho thấy tính tới năm 2015 trên thế giới có 415 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh Đái tháo đường, tương đương cứ 11 nguời có 01 nguời bị bệnh. Con số này sẽ có 642 triệu người đến năm 2040, tuơng đương cứ 10 nguời có 01 người bị bệnh Đái tháo đường. Ở Việt Nam tính đến năm 2015, tỷ lệ người mắc bệnh Đái tháo đường trên toàn quốc là 4,1% tiền đái tháo đường (3,6%). Trong khi năm 1990, tỷ lệ bệnh Đái tháo đường chỉ là 1,1% (ở Hà Nội), 2,25% (ở thành phố Hồ Chí Minh). Điều đó cho thấy bệnh Đái tháo đường đang ngày càng tăng cao, nó ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học đang hướng tới tìm ra nhiều hoạt chất, thuốc đặc trị từ các nguồn thiên nhiên cho hỗ trợ điều trị bệnh này. Mướp đắng là một trong những cây dược liệu được các nhà khoa học phát hiện có chứa giàu hàm lượng saponin có tác dụng điều tiết tăng insulin trong việc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Ở Việt Nam, cây Mướp đắng được trồng phổ biến, quả Mướp đắng có vị hơi đắng, tính hàn, không độc, người dân thường trồng để thu hoạch lấy quả để ăn như rau. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm làm từ quả Mướp đắng như trà túi lọc, nước ép trái cây,...

Với tiềm năng tốt trong việc điều trị bệnh đái tháo đường và nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ trồng, có thể khai thác và ứng dụng lớn, Cơ quan chủ trì Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Dược - Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Quốc Tuấn thực hiện đề tài Xây dựng quy trình chiết xuất, bào chế và thử nghiệm sản xuất cao Mướp đắng và viên nang chứa cao khô giàu hoạt chất saponin hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường” với mục tiêu: Xây dựng quy trình chiết xuất, bào chế và thử nghiệm sản xuất cao Mướp đắng và viên nang chứa cao khô giàu hoạt chất saponin hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường; Xây dựng quy trình bào chế viên nang chứa cao khô giàu saponin theo hướng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường (viên nang chứa 250 mg cao saponin 15 10%); Xây dựng quy trình sản xuất thành phẩm hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường chứa cao Mướp đắng ở quy mô 5.000 viên/mẻ; Đánh giá độc tính cấp và tác dụng dụng hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường của viên nang; Xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở cho cao chiết Mướp đắng và cho thành phẩm.

Mướp đắng có tên gọi tiếng Anh là “Bitter melon”; tên khoa học là Momordica charantia, họ bầu bí (Cucurbitaceae). Chi Momordica chiếm khoảng 60 loài, chúng được phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới như châu Phi, châu Á và châu Úc. Theo những công bố gần đây cho thấy trong cây Mướp đắng có chứa giàu hàm lượng triterpenoid và saponin trong thân, lá và quả. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết trong điều trị bệnh Đái tháo đường. Như nghiên cứu của Tahira và Husain đã làm sáng tỏ tiềm tăng của quả Mướp đắng trong việc làm giảm đường huyết. Các tác giả chỉ ra rằng cao chiết ethanol quả Mướp đắng có tác dụng làm giảm 28% lượng đường huyết. Trong một nghiên cứu về điều trị bệnh Đái tháo đường bằng nước ép trái cây Mướp đắng trong chuột, gây ra bởi streptozotocin, Mahmond và cộng sự cũng kết luận rằng quả Mướp đắng là nguồn tuyệt vời cho phòng và điều trị bệnh Đái tháo đường. Với mô hình nghiên cứu tương tự, Perumal cùng các cộng sự chứng minh rằng với hàm lượng cao chiết quả Mướp đắng 100 và 200 mg/kg trọng lượng cơ thể có tác dụng giảm mức độ đường trong những con chuột bị mắc bệnh Đái tháo đường. Trên một nghiên cứu với người bệnh mắc bệnh Đái tháo đường, ở Thái Lan các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm bột quả Mướp đắng trên 143 người bệnh Đái tháo đường ở độ tuổi từ 35 - 70. Kết quả sau 4 tuần điều trị cho thấy người bệnh sử dụng với liều ở mức 2000 mg/ngày giảm đáng kể lượng đường huyết trong máu, so với những người bệnh điều trị bằng metformin (1000 mg/ngày). Từ các bằng chứng khoa học cho thấy dịch chiết cao quả Mướp đắng là một nguồn nguyên liệu tiềm năng trong điều trị bệnh Đái tháo đường. Để làm rõ hơn thành phần hóa học có tác dụng hạ đường huyết trong điều trị Đái tháo đường của cao chiết từ quả Mướp đắng. Keller và các cộng sự đã phân lập được các saponin (3-hydroxycucurbita-5,24-dien-19-al-7,23-di-O-β-glucopyranosid và kuguaglycosid-G) từ quả Mướp đắng theo định hướng sinh học trong việc chống bệnh Đái tháo đường của phân đoạn giàu saponin từ cao chiết quả Mướp đắng, cả phân đoạn giàu saponin và các saponin phân lập được đều có tác dụng kích thích bài tiết insulin. Trong một vài nghiên cứu khác, các hợp chất saponin momordicosid Q, R, S và T cũng được phân lập từ quả của Mướp đắng có tác dụng oxy hóa acid béo và làm giảm đường huyết trong chuột. Li-Jie Zhang và cộng sự cũng phân lập và làm sáng tỏ thêm tám saponin (kuguasaponin A-H) từ quả của Mướp đắng có tác dụng chống tăng đường huyết dựa trên việc đánh giá sự hấp thu glucose. Từ các nghiên cứu độc lập khác nhau của các nhà khoa học trên thế giới đều kết luận rằng quả Mướp đắng là nguồn nguyên liệu tiềm năng trong việc điều trị bệnh Đái tháo đường.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Điều tra khảo sát vùng nguyên liệu: Đã thu thập được 12 mẫu Mướp đắng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đồng thời xác định tên của các loài mướp đắng thu hái. Khảo sát được các vùng trồng nguyên liệu qua 100 phiếu điều tra của các hộ trồng mướp đắng.

- Xây dựng phương pháp định lượng đồng momordicoside-g (1), goyaglycosid-d (2), goyaglycoside-b (3), momordicoside-f2 (4) trong quả mướp đắng. Hoàn thiện phương pháp định lượng saponin toàn phần cho quả mướp đắng, bán thành phẩm và thành phẩm trên máy quang phổ UV-Vis với chất chuẩn momordicoside-g.

- Khảo sát hàm lượng saponin của một số mẫu muớp đắng tại tỉnh Phú Thọ

- Xây dựng phương pháp định tính TLC cho bán thành phẩm và thành phẩm dựa theo chất chuẩn momordicoside-g (1), goyaglycosid-d (2), goyaglycoside-b (3), momordicoside-f2 (4).

- Xây dựng phương pháp làm giàu saponin toàn phần từ quả mướp đắng qua các phương pháp: sử dụng dung môi hữu cơ, sắc ký cột đạt hàm lượng saponin toàn phần ≥ 10%.

- Xây dựng công thức và phương pháp bào chế viên nang chứa 25 mg saponin toàn phần.

- Sản xuất thử nghiệm thu được 12,3 kg bột cao khô giàu saponin (hàm lượng > 10%) và 16000 viên nang chứa 25 mg saponin toàn phần trên máy đóng nang tự động, nhiều hơn so với dự kiến ban đầu (10 kg cao khô và 15000 viên)

- Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và kiểm nghiệm bán thành phẩm, thành phẩm viên nang.

- Thử tác dụng sinh học gồm: độc tính cấp, tác dụng hạ đường huyết của cao chiết nước, cao khô giàu saponin và viên nang trên chuột nhắt.

- Xác định độ ổn định của viên nang theo phương pháp cấp tốc. Dự kiến 36 tháng cho viên nang thành phẩm.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17512/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4254

Về trang trước Về đầu trang