Tin KHCN trong tỉnh
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm - Người sản xuất chưa mặn mà (22/08/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nông sản gắn tem truy xuất sẽ minh bạch hóa nguồn gốc bằng mã QR được giám sát bởi cơ quan quản ý nhà nước. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế. Thế nhưng, đa số người sản xuất chưa mặn mà với việc này, khiến việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.

 

 

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Trong ảnh: Dưa lưới trồng theo mô hình công nghệ cao tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Trong ảnh: Dưa lưới trồng theo mô hình công nghệ cao tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.

Vì đâu nên nỗi?

Công ty CP 4K Farm là một trong những DN đi đầu trong việc ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc công ty chia sẻ, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài việc tốn khoản chi chí lớn cho việc in ấn và dán tem, công đoạn này còn cần nguồn nhân lực đủ trình độ, chuyên môn để vận hành hệ thống.

Theo ông Tú, việc ghi nhật ký sản xuất gây trở ngại cho nông dân, bởi mọi số liệu đều ghi bằng tay, sau đó nhập thủ công trên máy tính vào chương trình truy xuất, tốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, trình độ của một bộ phận nông dân còn hạn chế nên ghi nhật ký sản xuất chưa rõ ràng, đầy đủ....

Mật ong dú là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Xuyên Mộc. Giá bán sản phẩm này khá cao, dao động từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng/lít nhưng không đủ cung cấp cho thị trường. Khách đặt mua có khi phải chờ 2-4 tuần mới có. Sản phẩm mang lại giá trị cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, nhưng mật ong dú Xuyên Mộc lại chưa có mẫu mã riêng, người nuôi chưa đăng ký tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Những người nuôi ong dú tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, lý do tới nay sản phẩm vẫn chưa dán tem QR truy xuất nguồn gốc là bởi thủ tục phức tạp, nông dân chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ số về truy xuất nguồn gốc nông sản. Quy mô sản xuất chưa bài bản, chưa tuân thủ nghiêm ngặt việc ghi nhật ký. Trong khi đó, sản phẩm đã có lượng khách hàng ổn định, không đủ cung cấp cho thị trường nên người nuôi ong cũng chưa thấy cần thiết dán tem truy xuất nguồn gốc.

Hoàn thiện và nhân rộng mô hình

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm 2019, song tới nay mới chỉ có 28 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN-PTNT) cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh như: chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đáp ứng kết nối với cổng thông tin truy xuất quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh chưa có cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hàng hóa.

Bên cạnh đó, các cơ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sản xuất thiếu sự liên kết. Số HTX, DN sản xuất theo quy mô khép kín rất ít, dẫn tới chưa liên kết tạo thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, việc ghi nhật ký sản xuất cũng khiến nông dân gặp khó bởi phải thực hiện bằng thủ công, sau đó nhập lại lên hệ thống... Nhiều cơ sở vẫn chưa áp ứng công nghệ thông tin vào sản xuất, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm, không muốn sản phẩm bị kiểm soát. Đây là những rào cản lớn khiến người sản xuất chưa mặn mà với việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Nông lâm và thủy sản cho biết, để tháo gỡ vướng mắc, hàng năm ngành đều xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ các cơ sở tham gia truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ngành cũng tạo điều kiện trong công tác quản lý truy xuất sản phẩm. Những sản phẩm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc được tạo điều kiện để tham gia chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

 “Hiện nay, chúng tôi đang chọn các cơ sở để hỗ trợ một số cơ sở liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết 21. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tăng số lượng cơ sở tham gia dán tem QR truy xuất nguồn gốc”, ông Toàn thông tin.

Nhiều lợi ích thiết thực

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với cơ sở sản xuất, tem truy xuất nguồn gốc giúp quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như bày tỏ thiện chí minh bạch thông tin cần thiết. 

Tem truy xuất nguồn gốc giúp hạn chế và bài trừ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, bảo vệ thương hiệu, giúp khẳng định vị thế của DN trên thị trường. Đồng thời, DN cũng chia sẻ được dữ liệu thời gian cho các nhà nhập khẩu hoặc đối tác thu mua, giúp họ yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm; nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và thương hiệu. 

Tem truy xuất nguồn gốc còn giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả; đồng thời tiếp cận được những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó yên tâm trong lựa chọn, sử dụng sản phẩm. Tem truy xuất còn giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4194

Về trang trước Về đầu trang