Tin KHCN trong tỉnh
Kinh tế tuần hoàn-hướng phát triển bền vững của Bà Rịa-Vũng Tàu (08/08/2022)
-   +   A-   A+   In  

Hội tụ đầy đủ các mô hình kinh tế: đô thị, nông thôn, biển đảo, đại dương, vùng bờ…, Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều lợi thế để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây được xem là hướng phát triển bền vững, giúp địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và giảm thiểu ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực về môi trường.

Thử nghiệm hệ thống trữ nước tưới ngầm cho cây xanh tại thị xã Phú Mỹ.
Thử nghiệm hệ thống trữ nước tưới ngầm cho cây xanh tại thị xã Phú Mỹ.

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đồng thời lựa chọn một số địa phương thí điểm thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, với quyết tâm sớm đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong vùng Đông Nam Bộ.

Côn Đảo đi đầu

Những ngày đầu tháng 8 này, dù lượng khách đi và đến Côn Đảo khá đông, nhưng tất cả đều cảm nhận rõ ý thức giữ vệ sinh chung của cả người dân và du khách. Đây là đợt cao điểm Côn Đảo phát động phong trào thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn.

Chị Nguyễn Thị Hương, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi đến Côn Đảo: "Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân trên đảo. Việc tuyên truyền vận động du khách không mang rác thải nhựa khi đến đảo hay phong trào thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa tại nguồn; chương trình “Đổi rác lấy quà”... khiến chúng tôi rất thích thú. Chắc chắn Côn Đảo sẽ ngày càng xanh, sạch hơn".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo Huỳnh Trung Sơn cho biết, du lịch và dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 90% tổng thu hằng năm của huyện. Tuy nhiên, Côn Đảo đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu nước ngọt sinh hoạt, thiếu điện... Côn Đảo hiện phụ thuộc nguồn cung ứng nguyên vật liệu, thực phẩm, dịch vụ từ đất liền với chi phí cao. Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu để Côn Đảo phát triển bền vững.

Lựa chọn Côn Đảo là địa phương đầu tiên xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026”.

Nhiều chương trình, kế hoạch đã được đề ra với mục tiêu cụ thể. Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Danh chia sẻ, việc triển khai đề án sẽ tạo cơ sở đề xuất các định hướng chiến lược phát triển bền vững Côn Đảo trong những năm tới và tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án đưa ra sáu chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bền vững huyện Côn Đảo, gồm: không rác thải, với mục tiêu xử lý thành công bãi rác Bãi Nhát và chấm dứt các bãi rác tự phát vào năm 2026; tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn; tuần hoàn nước, với mục tiêu tăng tỷ lệ thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, chấm dứt tình trạng các cơ sở kinh doanh xả thải trực tiếp ra môi trường; phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng, với mục tiêu là tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; tăng tỷ lệ xe điện phục vụ giao thông; bảo tồn đa dạng sinh học, với mục tiêu phục hồi, bảo tồn thiên nhiên, trong đó, tập trung tăng diện tích trồng và phục hồi rừng, rạn san hô; du lịch tuần hoàn, với mục tiêu duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/năm, tăng lượng khách quốc tế; giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu 100% học sinh từ cấp 1 đến 3 được giáo dục ngoại khóa về bảo vệ môi trường, 100% dân cư trên đảo được tuyên truyền về nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và bảo tồn thiên nhiên.

PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn khẳng định, trên thế giới, nhiều đảo có điều kiện tương đồng với Côn Đảo đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, kinh tế tuần hoàn được xác định là hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026” chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.

 

Kinh tế tuần hoàn-hướng phát triển bền vững của Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1

Tiết kiệm nước ngọt là giải pháp giúp Côn Đảo sớm thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn.

Lan tỏa ra nhiều địa phương

Tiếp nối việc triển khai thí điểm Dự án Phân loại rác thải tại Trường tiểu học Long Sơn 1, xã Long Sơn, Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu tiếp tục triển khai chương trình mở rộng “Dự án phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn dân cư”.

Tháng 6/2022, thôn 1, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu được chọn là nơi thí điểm thực hiện dự án. Bác Nguyễn Thị Tiết Kiệm (thôn 1, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) cho biết: "Sau khi được hướng dẫn phân loại rác và các doanh nghiệp hỗ trợ thùng rác phân loại, tôi luôn nhắc nhở con, cháu trong nhà thực hiện đúng các quy định về phân loại rác. Thời gian đầu còn bỡ ngỡ nhưng đến nay đã trở thành thói quen".

Trước đây, khi chưa triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, người dân trong thôn mạnh ai nấy đổ ra dọc đường, nên dọn dẹp rất vất vả. Thì nay, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Long Sơn Châu Phúc Lộc khẳng định, môi trường sống của người dân trong thôn được cải thiện đáng kể, không khí trong lành hơn, bớt mùi hôi thối. Đối với rác tái chế như chai nhựa, giấy, sắt..., người dân còn được tham gia chương trình đổi rác lấy quà. Từ đó khuyến khích mọi người thay đổi thói quen và nhận thức trong việc phân loại rác.

Không riêng ở thành phố Vũng Tàu, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh đều đang dần triển khai các giải pháp hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, huyện Xuyên Mộc ưu tiên phát triển du lịch xanh, với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc Lê Thị Trang Đài cho biết, từng bước hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, huyện xác định du lịch xanh là mục tiêu phát triển của địa phương trong thời gian tới. Trong đó, có bốn yếu tố then chốt, gồm: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh được huyện ưu tiên phát triển.

Huyện Châu Đức, với thế mạnh về nông nghiệp, hướng đến mục tiêu chuyển đổi chất thải hữu cơ thành phân bón, biến rác thải thành tài nguyên; chuyển đổi mô hình mô hình tăng trưởng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạn chế tác động môi trường, gia tăng giá trị sản xuất...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Tuấn cho biết, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đây vừa là yêu cầu mang tính cấp thiết, vừa là giải pháp lâu dài nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Tỉnh tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cùng sự chung sức, chung lòng của người dân, sớm thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần tại huyện Côn Đảo, đồng thời nhân rộng ra toàn tỉnh, với quyết tâm đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong vùng Đông Nam Bộ”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Tuấn khẳng định.

 

Nguồn: nhandan.vn

Số lượt đọc: 2501

Về trang trước Về đầu trang