Tin KHCN trong tỉnh
Hiệu quả từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng (25/07/2022)
-   +   A-   A+   In  

Với đặc tính khá dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp do nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, nhiều hộ nông dân đã tự tìm hướng đi riêng cho mình bằng cách chuyển đổi vật nuôi từ: heo, bò, gà sang nuôi dê nhốt chuồng. Mô hình mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Gắn bó với nghề nuôi heo hơn 10 năm, thế nhưng 3 năm trở lại đây giá heo bấp bênh, dịch bệnh hoành hành khiến thu nhập của gia đình bà Nguyễn Thị Nga (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) giảm mạnh. Không đành lòng bỏ nghề chăn nuôi, bà Nga đã tìm tòi, học hỏi các mô hình phù hợp và đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Năm 2019, bà Nga mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại và nuôi dê sinh sản. Được địa phương hỗ trợ đưa đi học tập mô hình, tập huấn các lớp chăm sóc dê và cho vay vốn, đồng thời bà Nga cũng chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dê qua sách, mạng internet. Nhờ đó, chỉ sau 3 năm, từ 10 con dê ban đầu, đến nay tổng đàn dê của gia đình bà đã lên đến gần 200 con.

Theo bà Nga, so với các loại vật nuôi khác như heo hay bò, nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3-4 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25-30kg, được các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết với giá bán dao động từ 120.000-135.000 đồng/kg... Không chỉ bán dê thịt, bà Nga còn bán con giống. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. 

“Nuôi dê khá tiện lợi, ít công chăm sóc, đặc biệt là hiện nay khi giá cám thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê nhốt chuồng này lại ổn định hơn so với những loại khác. Bởi nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, lá, bắp... Cám chỉ cho ăn dặm thêm. Tôi đang cho làm thêm chuồng trại, dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng tổng đàn lên 300 con”, bà Nga cho biết thêm.

Giá cả và đầu ra ổn định nên 5 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân tại xã Long Phước (TP. Bà Rịa) cũng mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi dê. Theo các hộ chăn nuôi, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn mà chỉ tốn công cắt cỏ và các loại rau, lá.

Mô hình nuôi dê tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).
Mô hình nuôi dê tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).

Ông Vũ Viết Thụ, một trong những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi dê nhốt chuồng tại xã Long Phước (TP Bà Rịa) cho biết, mô hình nuôi dê khá thích hợp tại địa phương, bởi không tốn nhiều diện tích. Đặc biệt, không cần nhiều công làm, phù hợp với những người lớn tuổi. Với giá bán luôn ổn định ở mức 120-135 ngàn đồng/kg, bình quân 1 con dê xuất chuồng nông dân thu lợi nhuận trên 1 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi heo.

Để giúp các hộ nuôi dê ổn định và gắn bó với nghề, năm 2018, Hội Nông dân xã Long Phước đã thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê với 30 hộ nuôi, tổng đàn hơn 1.000 con. Định kỳ hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi dê, giúp bà con nông dân cập nhật kiến thức về kỹ thuật chăm sóc dê cũng như tình hình thị trường, giá cả…

Theo ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 92 ngàn con dê, cừu. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn rỗi nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác. Dê sinh trưởng nhanh, thời gian thu hồi vốn ngắn. Ngoài ra, việc nuôi dê còn giúp nông dân tận dụng được nguồn phân để bán, tăng thêm thu nhập.

Để nuôi dê đạt hiệu quả cao và bền vững, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh, chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh ánh nắng, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3801

Về trang trước Về đầu trang