Nhiều kết quả tích cực
Công tác CCHC của tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, được các bộ, ngành, DN và người dân đánh giá cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành… Tỉnh cũng tích cực triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN.
Do đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2020; xếp hạng hai trong các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2021 của tỉnh đạt 86,72%, tăng 2,87% và tăng 4 bậc so với năm 2020.
Một trong những giải pháp được đưa ra để cải thiện các chỉ số là phải khắc phục tình trạng gây phiền hà trong giải quyết TTHC cho người dân, DN. Trong ảnh: Người lao động Công ty CP Cửa Huynh Đệ (TP. Vũng Tàu) trong giờ sản xuất. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như: việc thực hiện mệnh lệnh hành chính của cấp trên tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; công tác giải quyết hồ sơ TTHC tại một số lĩnh vực tỷ lệ trễ hẹn còn cao (nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư); tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp chưa đạt yêu cầu, nhất là ở UBND cấp huyện, cấp xã; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Một số chỉ tiêu thành phần trong các chỉ số không đạt điểm hoặc đạt điểm thấp, dẫn đến năm 2021 chỉ số CCHC (PAR INDEX) giảm 7 bậc so với năm 2020; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) nằm trong nhóm điểm thấp nhất cả nước.
Các chuyên gia và đại diện sở, ngành, địa phương dự hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc giảm điểm của các chỉ số trên. Trong đó, các đại biểu đã liệt kê một số nhóm nguyên nhân như: việc thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh giao không đạt điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Đề án di dân ra khỏi Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu chưa thực hiện, khiến chỉ tiêu về độ che phủ rừng chưa hoàn thành; việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa bàn dân cư còn hình thức, chưa thường xuyên; thái độ phục vụ của một bộ phận CB, CCVC chưa tốt.
BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2025 các chỉ số liên quan đến CCHC của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước. Trong ảnh: Nhân viên VNPT xử lý thông tin tiếp nhận từ Trung tâm điều giám sát hành thông minh tỉnh. |
Nâng cao các chỉ số CCHC
Trước thực trạng trên, các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp khắc phục các chỉ tiêu giảm điểm, cải thiện và nâng cao chỉ số để công tác CCHC của tỉnh thời gian tới đạt kết quả tích cực. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số liên quan đến CCHC của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, để tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao chỉ số PCI, tỉnh cần thúc đẩy công tác triển khai quy hoạch, bảo đảm không có tranh chấp; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, dự án giao thông kết nối giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm; xử lý nhà đầu tư không có năng lực, vi phạm pháp luật, tác động đến môi trường; kiên quyết xử lý dự án chậm triển khai.
Trong khi đó, theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, để bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chỉ số quản trị môi trường (một trong các chỉ số thành phần của chỉ số PAPI), Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Năm 2021, chỉ số PAR INDEX của tỉnh đạt 87,61 điểm, tăng 1,59 điểm so với năm 2020 nhưng giảm 7 bậc so với năm 2020; chỉ số PCI đạt 69,03 điểm (tăng 3,55 điểm) xếp vị trí thứ 9, tăng 6 bậc so với năm 2020; chỉ số SIPAS đạt 86,72%, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; chỉ số PAPI là 40,62/80 điểm, đạt tỷ lệ 50,77%, xếp vào nhóm 4 (nhóm đạt điểm thấp nhất), giảm 3,84 điểm so với năm 2020. |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh giao, bảo đảm kịp thời, chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, cần đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy nhanh công tác chuyển đổi số theo kế hoạch năm 2022 của tỉnh, nhất là triển khai việc nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong việc giải quyết TTHC.
Ông Nguyễn Văn Thọ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát ngay các hạn chế, thiếu sót, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để có các giải pháp khắc phục kịp thời trong năm 2022. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC; khắc phục tình trạng gây phiền hà trong giải quyết TTHC cho người dân, DN.