Tin KHCN nước ngoài
Chế tạo tấm cách âm hiệu quả cao từ chất thải của cây cam (13/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Những ngôi nhà trong tương lai sẽ được hưởng lợi từ tấm cách âm cải tiến có hương vị cam sau khi các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha biến đổi chất thải của cây cam thành tấm cách âm hiệu quả cao. Vật liệu mới có thể được sản xuất thân thiện hơn với môi trường và cải thiện khả năng cách âm so với các tấm thạch cao nhiều lớp thông thường.

Tấm cách âm mới được tạo ra từ cành cây cam thu gom tại vườn và trải qua quy trình tách sợi, trước khi kết hợp với polypropylene, loại nhựa phổ biến được sử dụng trong nhiều sản phẩm như đồ chơi và linh kiện ô tô.

 

TS. Jesús Alba, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học bách khoa València nói: "Thuộc tính cơ học của vật liệu mới tốt hơn thuộc tính của tấm thạch cao, điều này có nghĩa là độ dày của tấm cách âm như nhau, nhưng khả năng cách âm cao hơn hoặc chúng tôi có thể giảm độ dày để đạt mức cách âm như nhau". Tấm cách âm từ chất thải của cây cam có tiềm năng cách âm khoảng 29 dBA, cao hơn 2 dBA so tấm thạch cao nhiều lớp thông thường chỉ đạt khoảng 27 dBA.

 

TS. Alba cho biết: "Nếu chúng tôi sử dụng loại vật liệu kép, đó là vật liệu kết hợp 2 tấm và 1 lớp len ​​hấp thụ ở giữa giống chiếc bánh sandwich, khả năng cách âm tăng 5 hoặc 6 dBA, nghĩa là vật liệu kép sẽ cách âm gấp hơn 2 lần hệ thống thông thường”.

 

Alba cho rằng tấm cách âm mới cũng đáp ứng mục tiêu của chương trình nghiên cứu Horizon 2020 của châu Âu tập trung thay thế vật liệu có thể gây hại cho môi trường bằng nguyên liệu tự nhiên hoặc tái chế.

 

Mặc dù một số công ty bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm, nhưng vẫn còn quá sớm để xác định khả năng và thời điểm thương mại hóa sản phẩm. Các công ty cần phải đánh giá chi phí và tìm cách tự động hoá quy trình sản xuất.

 

Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực cải tiến thành phần cấu tạo để tăng khả năng cách âm của vật liệu, đồng thời nghiên cứu vỏ hạt ô liu theo cách tương tự như cành cam. Các nhà khoa học cho rằng sử dụng các sản phẩm phụ trong nông nghiệp như chất thải từ cắt tỉa cây cam và vỏ hạt ô liu có thể mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho ngành công nghiệp.

 

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Construction and Building Materials.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 5888

Về trang trước Về đầu trang