Tin KHCN trong tỉnh
Cần chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến (12/07/2022)
-   +   A-   A+   In  
Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, mặt hàng nông sản của nước ta đang phải đối mặt với không ít thách thức về công nghệ, thương mại.

Chủ động chuẩn hóa quy trình

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho biết, để chinh phục các thị trường khó tính, DN và nông dân phải bắt tay nhau sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, nông dân trồng theo phương pháp hữu cơ; còn nhà máy phải tuân thủ quy trình chế biến chặt chẽ từ khâu lựa quả, tách vỏ, lên men, phơi khô, rang hạt để cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Nhờ đó, sản phẩm của công ty năm 2020 đạt chứng nhận tiêu chuẩn organic của Nhật Bản, giúp gia tăng giá trị chocolate cao hơn 40% so với bình thường. Năm 2022, công ty tiếp tục đẩy mạnh việc thống nhất quy trình sản xuất, chế biến tại cả Việt Nam và Nhật Bản. “Giá trị gia tăng của sản phẩm tăng càng làm nông dân thêm tin tưởng và có trách nhiệm hơn để sản phẩm “Made in BR-VT” chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính”, ông Thành bày tỏ.

Còn ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Hiệp Hòa (KP. Hải Tân, TT. Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, đối tác xuất khẩu các sản phẩm đan lát của công ty là 85 siêu thị thương mại trên khắp thế giới từ châu Á sang châu Âu, Mỹ, Australia… Hiện Công ty TNHH SX-TM Hiệp Hòa có hàng trăm mẫu mã, xuất khẩu khoảng 100.000 sản phẩm/tháng với tổng doanh thu hàng năm đạt từ 38-45 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10-15%.

“Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho chứa, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, đào tạo tay nghề cho người lao động. Hiện những lô hàng xuất đi EU đều bảo đảm các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, được hưởng ưu đãi từ thuế quan theo Hiệp định EVFTA nên sức cạnh tranh và giá trị hàng hóa được nâng lên”, ông Đạt chia sẻ.

Tìm hiểu kỹ quy định nước nhập khẩu

Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, hàng rào thuế quan gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, các hàng rào phi thuế quan cũng không ngừng gia tăng như: kỹ thuật; các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (biện pháp SPS); vấn đề môi trường… Thậm chí, nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu.

Ông Trịnh Văn Thành phân tích, đối với ngành ca cao, các nước nhập khẩu sẽ xem xét nhiều yếu tố từ khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, nhà xưởng, máy móc thiết bị và cả bao bì sản phẩm. Khi các quy trình này đã bảo đảm và được xác nhận tại Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm của nước sở tại sẽ kiểm định lại một lần nữa, nếu bảo đảm hàng hóa mới được thông qua.

“Tôi thấy các quy định về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm sử dụng trực tiếp ngày càng khắt khe hơn. Vì vậy, chủ DN cũng phải tìm hiểu, nắm rõ quy trình để đáp ứng yêu cầu của đối tác và nâng cao giá trị sản phẩm, uy tín của mình”, ông Thành nói.

Tương tự, ông Lê Văn Đạt cũng cho rằng, các quy định phi thuế quan đang ngày càng khắt khe. Các nước nhập khẩu sản phẩm của công ty đều buộc DN phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, quy trình sản xuất có bảo đảm hay không. Chỉ khi DN chủ động thực hiện đầy đủ các quy định của đối tác mới có thể đứng vững và phát triển.

Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Bộ NN-PTNT), nông sản tại EU rất có giá trị. Tuy nhiên một trong những rào cản lớn nhất của nông sản Việt khi đưa vào EU đó là các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Với tư duy sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún của người dân, khả năng kiểm soát vấn đề này khó triệt để. Nguyên nhân bởi dư lượng thuốc có thể xuất hiện khi người dân sử dụng chung các bình pha chế thuốc; hoặc lan theo gió, nước, đất từ ruộng bên cạnh; thậm chí chưa cập nhật kịp danh sách mới nhất mà EU ban hành.

“Do đó, để giải quyết một cách căn cơ, việc quan trọng là phải nâng cao nhận thức, bắt đầu từ những người trực tiếp sản xuất là nông dân hiện tại, sau đó là những nông dân công nghệ cao tương lai”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo Sở Công thương, Sở sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN thực hiện hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA (Việt Nam - EU), UKVFTA (Việt Nam - Vương Quốc Anh), triển khai chương trình hội nhập kinh tế quốc tế…; thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) để nắm bắt thông tin về các thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ các DN xuất khẩu của tỉnh.
Về phía DN, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín, cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các rào càn phi thuế quan liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 2289

Về trang trước Về đầu trang